Đại hội cổ đông bị bỏ rơi

Có hàng nghìn cổ đông nhưng số tham dự trong một số đại hội chỉ trên dưới 10 người. Không ít doanh nghiệp phải tổ chức sự kiện này đến lần thứ 3 mới thành công.

Có hàng nghìn cổ đông nhưng số tham dự trong một số đại hội chỉ trên dưới 10 người. Không ít doanh nghiệp phải tổ chức sự kiện này đến lần thứ 3 mới thành công.

Công ty cổ phần Thủy hải sản Việt Nhật (Mã CK: VNH) dự định tổ chức Đại hội cổ đông lần thứ nhất từ ngày 21/4 nhưng chỉ có 14 trong tổng số 980 cổ đông đến tham dự, gồm cả 4 thành viên hội đồng quản trị. Số cổ đông này đại diện cho 1,76 triệu cổ phần, tương đương gần 22% vốn điều lệ. Theo Luật doanh nghiệp, đại hội không đủ điều kiện tiến hành.

Hai lần sau đó, đại hội của VNH đều chỉ có vỏn vẹn 6 cổ đông tham dự, đại diện 21% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết. Việc tổ chức chỉ thành công trong lần thứ 3, khi Luật Doanh nghiệp cho phép thực hiện với bất kỳ tỷ lệ cổ đông tham dự nào. Các tờ trình theo đó, đều được thông qua với tỷ lệ tuyết đối 100% trong lần đại hội này.

Đầu tuần trước, đại hội cổ đông lần thứ nhất của Công ty cổ phần khoáng sản Na Rì Hamico (Mã CK: KSS) cũng vừa được tổ chức. Chỉ 21 cổ đông và một người được ủy quyền tham dự đại diện cho 12,34 triệu cổ phần tương ứng 31,29% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Trong khi đó, theo công bố, KSS có tới 3.700 cổ đông, với 12 cổ đông tổ chức. Đơn vị này dự kiến tổ chức lại đại hội lần 2 vào ngày 24/6 tới đây.

Tương tự trường hợp của VNH, được tổ chức đến lần thứ 3 nhưng Đại hội của Công ty cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát (Mã CK: AAA) cũng chỉ có 22 người tham dự, đại diện cho hơn 35% cổ phần. Trong khi đó, công ty này có tổng số cổ đông có quyền tham dự là 1.357 cổ đông. Năm ngoái, đơn vị này cũng phải tổ chức đến lần thứ 3 mới thành công đại hội do số lượng tham dự quá ít.

Đại hội của Công ty cổ phần Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An (Mã CK: PVA) cũng phải tổ chức đến lần thứ 3 vì mỗi lần đều chỉ có hơn 20% số cổ phần đến tham dự. Tuy nhiên, trong cả 3 lần, số cổ phần tham dự chủ yếu là hình thức ủy quyền. Số cổ phần tham dự trực tiếp đều chưa đạt 1% tổng số quyền biểu quyết, chỉ chiếm vài chục nghìn cổ phiếu.

Cổ phiếu PVA vừa bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán do kết quả kinh doanh 3 năm bị lỗ. Năm 2013, PVA đặt kế hoạch lỗ sau thuế hợp nhất gần 23 tỷ nhưng cuối cùng công ty đã lỗ tới 101 tỷ. Năm 2014, công ty đặt kế hoạch rất cao, kế hoạch sản lượng tăng gần 9 lần so với 2013, doanh thu tăng 3,5 lần, lợi nhuận sau thuế gần 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, do đại hội chỉ có hơn 20% cổ đông tham gia, nên các tờ trình kế hoạch kinh doanh đều được thông qua.

Trước đó, Công ty cổ phần Xây dựng Sông Hồng (ICG), Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Dầu khí - IDICO (PXL)... cũng phải tổ chức lần đại hội thứ 3 mới thành công và mọi tờ trình đều được thông qua.

Trao đổi với VnExpress, bà Thúy một nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ICG cùng 3 đơn vị khác chia sẻ: "2 năm đầu tôi khá hào hứng tham dự nhưng gần đây không đến nữa vì tại đại hội, ban lãnh đạo công ty thường ít giải đáp thỏa đáng những chất vấn của cổ đông. Trong khi đó, tình hình kinh doanh của công ty lại có quá nhiều chuyện để nói", bà Thúy cho hay.

Cổ đông này từng tham dự đại hội và có những câu hỏi chất vấn, lãnh đạo doanh nghiệp cũng hứa hẹn khắc phục nhưng tình hình vẫn không chuyển biến. "Dù là cổ đông nhỏ nhưng những ý kiến mình không được ghi nhận, lãnh đạo công ty chẳng cầu thị, lắng nghe thì chỉ đến một vài lần là chán", bà Thúy cho hay.

Một chuyên gia chứng khoán cho rằng, những doanh nghiệp có quá ít cổ đông đến dự đại hội chủ yếu do làm ăn bết bát, việc tổ chức không chu đáo, làm ở những tỉnh lẻ nhưng không có phương tiện đưa đón...  Tuy nhiên, theo ông, điều làm mất lòng cổ đông khiến họ không muốn đến có thể do những lần đại hội trước, những đóng góp, ý kiến của họ không được ghi nhận. 

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Tài chính (Stox Plus) cho rằng, việc công ty làm ăn kém không phải lý do chính khiến cổ đông không đến dự. 

"Lẽ ra, với những doanh nghiệp làm ăn bết bát, cổ đông càng phải quan tâm nhiều hơn đến đại hội vì họ đã mất tiền đầu tư vào đó. Công ty làm ăn thua lỗ, có nghĩa là họ cũng đang mất tiền và phải dành thời gian để chất vấn những người lãnh đạo xem tại sao lại như vậy, giải pháp tới đây là gì", ông Thuân cho hay.

Theo chuyên gia này, việc quá ít người đến tham dự đại hội thể hiện công tác quan hệ cổ đông của doanh nghiệp kém. "Có những công ty không giữ được mối liên kết với cổ đông, các thông tin liên quan đến tình hình kinh doanh không cập nhật thường xuyên. Thậm chí nhiều cổ đông chỉ biết thông tin về công ty mình đầu tư thông qua báo chí, phương tiện truyền thông", vị này nhận định.

Ông Thuân còn cho rằng, trên thực tế, không ít lãnh đạo doanh nghiệp còn "mong" cổ đông không đến dự để đỡ bị gây khó dễ. "Ngoài ra, nếu chỉ có vài cổ đông và chủ yếu là lãnh đạo công ty thì việc thông qua các tờ trình càng thuận lợi hơn", ông Thuân nói.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, về lâu dài, nếu doanh nghiệp không phát triển công tác quan hệ cổ đông sẽ rất thiệt thòi. "Khi doanh nghiệp mang tiếng không tôn trọng cổ đông, không công khai, minh bạch các thông tin điều hành, quản trị, đại hội tổ chức nhiều lần mới thành... thì chẳng có cổ đông nào muốn gắn bó, đầu tư", ông này nhận định.

Các tin khác