Từ nhiều năm nay, các phương án xử lý khi có sự cố về nguồn nước đã được Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) xây dựng, nhằm hạn chế thấp nhất khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấp nước cho người dân TPHCM.
Chuyên gia đi “soi” ô nhiễm định kỳ
Năm 2019 đã có 3 sự cố mất an toàn nước xảy ra tại các tỉnh - thành phố lớn của cả nước. Chỉ trong tháng 8, nguồn nước thô tại Nghệ An và Đà Nẵng bị ảnh hưởng do nước đục, nhiễm mặn, khiến hàng trăm hộ dân phải thiếu nước sạch trong nhiều ngày. Gần đây nhất là sự cố nghiêm trọng khi nguồn nước sông Đà ô nhiễm nặng. Đây là hồi chuông cảnh báo vấn đề an ninh, an toàn nguồn nước sạch tại các thành phố lớn, khi tình trạng ô nhiễm ngày càng phức tạp, khó kiểm soát.
Tại TPHCM, để cung cấp nước sạch cho người dân, ngành cấp nước thành phố lấy nước thô từ sông Sài Gòn (tại trạm Hòa Phú, huyện Củ Chi) và từ sông Đồng Nai (trạm bơm Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Từ các trạm bơm này, nước được dẫn về cụm Nhà máy nước Tân Hiệp và Nhà máy nước Thủ Đức để xử lý, rồi cung cấp cho người dân.
Nhân viên Nhà máy nước Tân Hiệp
kiểm tra chất lượng nguồn nước.
kiểm tra chất lượng nguồn nước.
Để đảm bảo chất lượng nước, đề phòng các sự cố, Sawaco đã lên nhiều phương án kiểm tra, giám sát một cách nghiêm ngặt nguồn nước thô trước khi vào nhà máy. Cụ thể, để giám sát chất lượng nước từ xa, định kỳ hàng tháng Sawaco thuê ca nô chở các chuyên gia đi giám sát nguồn nước dọc lưu vực sông, cả các kênh rạch lớn chảy vào sông. Từ công tác này sẽ lấy mẫu nước để kiểm tra chất lượng, ghi nhận các điểm phát sinh nguy cơ ô nhiễm cho nguồn nước, tiến hành các biện pháp khắc phục, phòng ngừa.
Ngoài ra, theo ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng giám đốc Sawaco, để đề phòng các sự cố, Sawaco còn thực hiện công tác giám sát hàng giờ và trang bị hệ thống giám sát chất lượng nước online từ đầu nguồn đến khi nước vào nhà máy xử lý, cũng như cả hệ thống đường ống cung cấp đến người dân. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cũng thực hiện giám sát độc lập chất lượng nước trên địa bàn thành phố. Không chỉ vậy, tại các nhà máy nước trên địa bàn đều triển khai chương trình cấp nước an toàn. Theo đó, đã xây dựng các thông số tới hạn đối với những chỉ tiêu có nguy cơ rủi ro cho hệ thống cấp nước, đồng thời chuẩn bị phương án ứng phó với những rủi ro này.
Ông Giang cho biết, thông qua hệ thống giám sát online, nếu phát hiện các chất hữu cơ hoặc amoni tăng cao, bộ phận vận hành sẽ điều chỉnh Clo xử lý nước từ trạm bơm về đến nhà máy. Trong trường hợp ô nhiễm vượt ngưỡng xử lý buộc phải ngưng lấy nước sông Sài Gòn, Sawaco cũng có phương án đề nghị Nhà máy nước Kênh Đông tăng công suất, hoặc đề nghị hồ Dầu Tiếng xả nước đẩy mặn, rửa ô nhiễm.
Đề xuất xây hồ lắng
Ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Sawaco, cho biết hiện hệ thống cấp nước TPHCM có tổng công suất cung cấp nước sạch theo thiết kế là 2,4 triệu m3/ngày. Nhưng khi vận hành thực tế, các nhà máy nước còn một lượng công suất dự phòng (khoảng 500.000m3/ngày). Do đó, nguồn nước sạch cấp cho người dân luôn đảm bảo đầy đủ và ổn định.
Trong vấn đề ứng phó với các nguy cơ mất an toàn nguồn nước do sự cố ô nhiễm từ đầu nguồn bởi sự xả thải từ các khu công nghiệp, nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp xuống sông, nguồn nước nhiễm mặn hay do biến đổi khí hậu, ông Khuyên cho rằng, về lâu dài cần có phương án xây dựng các hồ lắng lọc.
“Chúng tôi đã có đề xuất các giải pháp, trong đó có cả phương án xây dựng đập ngăn mặn ở thượng nguồn sông Sài Gòn và hồ lắng lọc, điều tiết dọc sông Đồng Nai hoặc sông Sài Gòn trong nội dung điều chỉnh bổ sung quy hoạch cấp nước TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn 2060. Khi được phê duyệt chúng tôi sẽ tiến hành thực hiện ngay, bởi đây là phương án nhằm đảm bảo an toàn nguồn nước cho TPHCM đến 50 năm sau”, ông Khuyên nhấn mạnh.
Ngoài ra, trong kế hoạch cấp nước an toàn, Sawaco cũng đề xuất phương án TPHCM xem xét xây dựng các bể chứa nước ngầm trong khu vực nội đô. Đây sẽ là nguồn dự trữ nước sạch cho người dân khi có các sự cố bất ngờ xâm hại an toàn nguồn nước.
Bên cạnh các giải pháp chiến lược nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, Sawaco luôn chuẩn bị sẵn sàng các phương án cấp nước trong điều kiện khẩn cấp khi xảy ra sự cố. Cụ thể, ngành cấp nước thành phố sẽ cấp nước qua hệ thống giếng nước ngầm, xe bồn, bồn chứa nước tập trung, các mô đun xử lý di động, để hạn chế thấp nhất sự gián đoạn cấp nước liên tục cho người dân.