Đảm bảo phòng chống dịch nhưng không “đứt gãy” nền kinh tế

(ĐTTCO) - Chiều 12-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các bộ ngành và 15 địa phương về tình hình và các biện pháp mới phòng chống dịch Covid-19.
 Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép: Phòng chống dịch bệnh, ngăn ngừa có hiệu quả hơn và không để “đứt gãy” nền kinh tế.
Chủ động sàng lọc bệnh nhân, xét nghiệm ngay tại tuyến huyện
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ổ dịch tại Đà Nẵng đang từng bước được kiểm soát, đã hạn chế được việc lây lan ra cộng đồng. Số trường hợp mắc mới ghi nhận giảm trong những ngày gần đây. Các trường hợp mắc bệnh ghi nhận tại Đà Nẵng vừa qua phần lớn ở các bệnh viện trong thời gian bị phong tỏa và các trường hợp tiếp xúc gần (Fl) với ca mắc bệnh đã được cách ly tập trung.
Các trường hợp tử vong đều có bệnh lý nền nặng với 82,4% có nhiều hơn 1 bệnh lý kèm theo; phổ biến nhất là suy thận mạn, tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch và ung thư; và có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường họp tử vong trong nhóm bệnh nhân này thời gian tới.
Đảm bảo phòng chống dịch nhưng không “đứt gãy” nền kinh tế ảnh 1 Người dân đứng xếp hàng, giãn cách khi vào cổng chợ. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Phần lớn ca nhiễm không có triệu chứng mắc bệnh (khoảng 40%) nên việc phát hiện các trường hợp này tại các cơ sở y tế là rất khó (ca đầu tiên chỉ được phát hiện khi có triệu chứng tại Bệnh viện C Đà Nẵng nhưng hoàn toàn không có biểu hiện gì khi đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng). Do đó, việc nâng cao năng lực cho các tuyến và thực hiện khám chữa bệnh từ xa là rất cần thiết để chủ  động sàng lọc bệnh nhân và có thể xét nghiệm ngay tại tuyến huyện, thực hiện cách ly điều trị tại tuyến tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, tính từ ngày 25-7 đến nay trên địa bàn Hà Nội có 30 ca mắc; trong đó có 8 ca trong cộng đồng. Trong ngày 12-8, Bộ Y tế công bố 1 ca nhiễm mới ở Hà Nội là người dân Hải Dương về khám bệnh tại Bệnh viện Thanh Nhàn, nhưng theo điều tra ban đầu không có mối quan hệ, liên hệ với vùng dịch Đà Nẵng, chưa rõ nguồn lây bệnh. Tuần tới sẽ là thời gian trọng điểm trong công tác phòng chống dịch của thủ đô. Vì vậy, thành phố tập trung, quyết liệt thực hiện các biện pháp, trong đó không lơ là, chủ quan, đảm bảo kiểm soát hiệu quả không để dịch lây lan rộng trên địa bàn thành phố. 
Tại cuộc họp, Bộ Y tế liên tục đề nghị các địa phương tăng tốc truy vết, xác minh, lập danh sách tất cả các trường hợp đến, lưu trú tại TP Đà Nẵng từ ngày 1-7 đến 28-7 đã trở về địa phương; đồng thời theo dõi, giám sát chặt chẽ, xét nghiệm và cách ly y tế đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh hoặc đến các khu vực có nguy cơ cao theo các thông báo của Bộ Y tế. Dù đợt dịch này đã từng bước được kiểm soát và hạn chế được khả năng lây lan rộng ra cộng đồng, tuy nhiên trong thời gian tới vẫn có thể tiếp tục xuất hiện các trường hợp mắc bệnh rải rác từ các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 chưa được phát hiện trong cộng đồng. 
Tỉnh táo trong các quyết định
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vừa qua, các bộ ngành, địa phương đã triển khai phòng chống dịch tích cực, nhất là ngành y tế và một số địa phương như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi…; đã khoanh vùng dập dịch tích cực, nhất là xét nghiệm nhanh trên diện rộng. TP Đà Nẵng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 một cách nghiêm ngặt. Chính phủ và các địa phương tiếp tục thực hiện chống dịch quyết liệt, nhưng áp dụng các biện pháp một cách phù hợp, nhất là ở những thành phố, trung tâm kinh tế lớn; tránh gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. 
Thủ tướng đánh giá, khác với ca thứ 17 ở Hà Nội trước đây, lần này, khi xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng ở Đà Nẵng, người dân bình tĩnh hơn, cấp ủy, chính quyền các địa phương, ngành y tế chỉ đạo bài bản hơn. Nhiều bài học được rút ra, đúc kết thành các từ khóa hay công thức như: phát hiện nhanh, cách ly nhanh, xét nghiệm rộng và nhanh. Đơn cử như Hà Nội hay Đà Nẵng xét nghiệm diện rộng trên 10.000 ca/ngày.
Từ tuần này đến giữa tuần sau là thời điểm cần quan tâm, cần tiếp tục duy trì các biện pháp để bảo đảm công cuộc chống dịch thành công. Ngành y tế cần tăng cường đào tạo, tập huấn trực tiếp cho nhân viên y tế ở tất cả cơ sở y tế. Nên có một quy trình chuẩn xử lý những ca nghi mắc Covid-19, không để bệnh nhân đi lang thang hết bệnh viện này đến bệnh viện khác hoặc kéo dài ở một bệnh viện. Các trường hợp ho, sốt, viêm hô hấp phải kiểm tra ngay để xử lý. 
Thủ tướng đề nghị, từng địa phương nên suy nghĩ về một chiến lược chống dịch hiệu quả, về kinh tế và nhất là y tế; nhất quyết không được chủ quan, mất cảnh giác trong phòng chống dịch. Chủ tịch UBND các tỉnh thành phải quyết định mức độ nguy cơ và áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp, đề cao cảnh giác nhưng đừng để ảnh hưởng quá lớn đến sản xuất kinh doanh, đời sống người dân.
Đối với thiết bị, sinh phẩm nhập khẩu xét nghiệm, Thủ tướng đồng ý mời một số nhà nhập khẩu đến đàm phán, chốt giá trần, mua công khai, minh bạch, không tham nhũng, tiêu cực thì không có gì phải ngại, không đẩy trách nhiệm lên cấp trên. 

Các tin khác