Đảm bảo quyền tác giả và người sưu tập

(ĐTTCO) - Mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến mở ra kênh tiếp thị hiệu quả cho những người làm sáng tạo chia sẻ tác phẩm cũng như trao đổi kinh nghiệm. Tuy nhiên, không ít tác giả trong giới bị “chôm” tác phẩm mà không hề hay biết, đến khi biết thì thành… chuyện đã rồi.
Khách tham quan một triển lãm điêu khắc
Khách tham quan một triển lãm điêu khắc

Mồi ngon cho “đạo chích”

Thông qua bạn bè, Huỳnh Minh Thống (nhà sáng lập Xôn Xao Studio) phát hiện một chuỗi 3 tác phẩm của mình bị in thành tranh và treo trong một quán cà phê tại Hà Nội. Anh Minh Thống kể: “Tôi chưa hề bán chuỗi tác phẩm trên, nghĩa là một ai đó đã sử dụng bản quyền tranh của tôi trái phép. Khi tôi liên lạc để phản hồi về tranh treo trong quán, phía quán cà phê rất hợp tác và đưa ra phương án xử lý. Điều đáng nói ở đây là chính chủ quán cà phê cũng không biết tranh treo trong quán chưa có bản quyền vì họ được tặng, và người tặng bộ tranh cho quán cũng không biết đó là tranh ăn cắp”.

Trong giới sáng tạo về thiết kế đồ họa, chuyện đăng tải tác phẩm lên Behance (mạng xã hội trực tuyến trực thuộc Công ty Adobe; trưng bày các sản phẩm hình ảnh, đồ họa kỹ thuật cũng như cho phép lập tài khoản kết nối người dùng) trở nên phổ biến. Mạng xã hội này cũng là nơi các bạn trẻ trong ngành cùng trao đổi kinh nghiệm, tác phẩm đăng tải lên đây luôn được để ở chất lượng cao nhất, sắc nét nhất… Và điều này vô tình trở thành miếng mồi ngon cho “đạo chích”.

Khi đăng tải tác phẩm lên nền tảng trực tuyến Behance, họa sĩ có thể để water mark (thể hiện dưới dạng một đoạn chữ hình ảnh, logo, khẩu hiệu hay số điện thoại, nhưng chúng được làm mờ đi và không rõ nét như ban đầu), việc này nhằm đánh dấu chủ quyền, bảo vệ quyền sở hữu cho chủ nội dung.

Tuy nhiên, như lời chia sẻ của Phương Nhung (25 tuổi, thiết kế đồ họa, ngụ quận Bình Thạnh): “Làm sáng tạo mà, ai cũng muốn mình và người khác khi nhìn vào tác phẩm phải thật trọn vẹn và thoải mái nhất, để water mark cũng là cực chẳng đã, nhằm tránh bị trộm thôi. Chưa kể khách hàng bây giờ chủ yếu xem tác phẩm trực tuyến, nên để water mark đôi khi cũng bất tiện, mà không để thì... Tác phẩm của bạn bè tôi bị trộm rồi in thành tranh để bán, in ốp lưng điện thoại, áo thun tràn lan, đến khi biết thì chuyện cũng đã rồi”.

Cần minh bạch, chặt chẽ

 Không phải ngẫu nhiên mà giới họa sĩ có tranh bán được gần như không bao giờ ký gửi tác phẩm ở phòng tranh, thậm chí có người hạn chế tối đa việc gửi tác phẩm tham gia triển lãm. Bởi ở những nơi này, tác phẩm của họa sĩ dù tên tuổi đến đâu cũng chỉ “ngâm” đó, còn bản sao chép thì bán đều đều vì mức giá dễ chịu, thậm chí dễ dãi chấm phá lại nội dung tranh theo ý khách hàng.

Nổi tiếng trong giới vẽ tranh sơn dầu với chủ đề hiện thực, một họa sĩ tên N. rất hiếm khi gửi tác phẩm dự triển lãm, anh chỉ trưng bày tranh của mình tại xưởng vẽ, triển lãm cá nhân hoặc cùng một nhóm bạn thân.

“Triển lãm tranh không phải nơi nào cũng uy tín, mang tranh ra chỉ làm “mồi” cho chép tranh. Có thể nhiều người nhận xét tôi quá khó tính, chỉ nhận lời rất ít triển lãm và xem xét nhiều tiêu chí mới tham gia, nhưng đó là cách để tác phẩm của mình không bị sao chép. Chuyện bản quyền, tác quyền trong giới trước giờ vẫn chưa có sự tôn trọng đúng mực. Làm nghệ thuật không tránh khỏi “ý tưởng lớn gặp nhau”, nhưng giống nhau đến tận tám, chín chục phần trăm từ màu sắc, bố cục, thậm chí ký tên cũng na ná nhau, thì đó là sao chép chứ đâu còn là ý tưởng sáng tạo gặp nhau nữa”, hoạ sĩ N. bày tỏ.

Chuyện đánh cắp tác phẩm tranh không phải là chuyện mới trong giới, từ tranh chép ở các phòng tranh đến những nền tảng trực tuyến như Behance hay NFT. Cần nhìn nhận thấu đáo hơn chuyện bản quyền, tác quyền đối với tác phẩm nghệ thuật để đảm bảo quyền tác giả và người sưu tập. Thị trường minh bạch, chặt chẽ thì mới mở đường để phát triển ngành mỹ thuật như một phần của công nghiệp văn hóa.

Các tin khác