Thế nhưng, áp lực tồn tại của mỗi trường ĐH (ĐH) đã khiến phương pháp tuyển sinh có nhiều lắt léo, nhằm đánh trượt những thí sinh trúng tuyển vào những ngành học mà quá ít sinh viên để trường mở lớp. Vì vậy, nhiều sinh viên đăng ký nguyện vọng ở khoa nọ đành phải chuyển sang khoa kia.
Những trường ĐH top đầu như ĐH Ngoại thương, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TPHCM hoặc ĐH Sư phạm Hà Nội… đều có điểm chuẩn cao ngất. Chỉ có những sĩ tử xuất sắc mới lọt được vào danh sách trúng tuyển. Ngược lại, nhiều trường ĐH khác lại sử dụng chiêu trò để… thay đổi kết cấu sinh viên.
Ví dụ, ĐH Hùng Vương TPHCM có 9 ngành điểm chuẩn dừng ở con số 14, nhưng công bố điểm chuẩn của ngành Công nghệ sau thu hoạch là 22 điểm và ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng là 20 điểm. Vì sao như vậy? Vì ĐH Hùng Vương TPHCM dùng kỹ năng sàng lọc ảo do hai ngành ấy chỉ có vài sinh viên đăng ký nguyện vọng 1, nên quyết tâm… xóa sổ luôn, để sinh viên có điểm số từ 14 đến 19 phải chọn nguyện vọng khác. Tương tự, Trường ĐH Đồng Nai cũng đẩy điểm chuẩn 4 ngành sư phạm lên rất cao khiến… không có thí sinh nào trúng tuyển.
Các sinh viên làm thủ tục nhập trường.
Một sự thật không thể phủ nhận, những trường ĐH ngoài công lập đều phải đối mặt với bài toán tài chính rất khắc nghiệt. Do đó, họ sẵn sàng đưa ra chủ trương tuyển sinh những ngành rất sang trọng. Thế nhưng, khi thí sinh trúng tuyển ít, không thể mở ngành nên họ cũng khôn khéo… đánh trượt toàn bộ ứng viên để khỏi phải mở ngành ít sinh viên. Mở ngành học cũng tính toán thua lỗ học phí, thì chất lượng ĐH có muốn cải thiện cũng không dễ dàng gì! 2. Sau một thập niên bùng nổ các loại ĐH, xã hội Việt Nam ngoài việc đương đầu với tình trạng cử nhân thất nghiệp còn phải chứng kiến cuộc cạnh tranh lôi kéo sinh viên giữa các trường ĐH. Chính cái phong trào địa phương nào cũng phải có trường ĐH khiến cho giá trị giảng đường dần giảm sút. Bên cạnh hai đô thị lớn Hà Nội và TPHCM, những đô thị nhỏ cũng sốt ruột vì cơn cao hứng ĐH.
Ở miền Đông Nam bộ, tỉnh Bình Dương có 5 trường ĐH. Còn ở miền Tây Nam bộ, tỉnh Vĩnh Long có 3 trường ĐH. Trung bình mỗi trường ĐH tạm thời chưa có uy tín trên bản đồ giáo dục, cũng được chỉ tiêu tuyển sinh từ 1.800-2.000 sinh viên. Thử tính nhẩm nhu cầu tuyển sinh trên cả nước, thì các cô cậu Tú tài có muốn… trượt ĐH e chừng cũng khó!
Thống kê trong những năm qua, đa số những trường xác định điểm trúng tuyển thấp lại là những trường có ít sinh viên nhập học. Điều đó cũng phản ánh chính sách công khai, minh bạch thông tin về chính sách chất lượng và các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường đã phát huy tác dụng, để người học lựa chọn những trường có chất lượng và hệ thống không ngừng cạnh tranh để nâng cao chất lượng.
Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát quá trình tổ chức đào tạo của các trường này để buộc họ phải nỗ lực nâng cao chất lượng trong dạy và học, đạt chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Song thực tế, hệ thống ĐH liên tục nở rộ đến mức không thể kiểm soát. Nhiều ý kiến đã nhắc đến việc cải tổ bằng cách sáp nhập các ĐH địa phương thành ĐH khu vực. Nói là nói vậy, nhưng không thể muốn sáp là nhập, vì mỗi trường đều có hội đồng quản trị riêng, và có cách… thu hoạch lại khoản tiền đã bỏ ra để xin phép hoạt động cũng như xây dựng cơ sở vật chất.
Sáp nhập, hợp nhất, liên minh, liên kết các trường ĐH thành các ĐH quy mô lớn, đa lĩnh vực đang là xu hướng của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt trong thời đại cạnh tranh toàn cầu rất khốc liệt như hiện nay. Khi đó, các ĐH lớn sẽ có khả năng tập trung thu hút được nguồn lực đầu tư từ Nhà nước và doanh nghiệp vào nghiên cứu và đào tạo sau ĐH, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Nhưng ở nước ta thì không dễ.
Nói như PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội: “Tự chủ ĐH tự nó chưa phải là chìa khóa để thúc đẩy chất lượng, bởi bên cạnh hành lang pháp lý về tự chủ thì nguồn lực đầu tư và năng lực quản trị ĐH là những yếu tố quyết định nâng cao chất lượng. Nhưng ngay cả hành lang pháp lý và cơ chế hỗ trợ tài chính của Nhà nước cho tự chủ ĐH hiện nay cũng còn chưa đầy đủ để hỗ trợ các trường ĐH thực hiện thuận lợi. Cũng vì thế nên có những vướng mắc khiến nhiều cơ sở e dè trong việc thực hiện tự chủ”.
3. Khi ĐH bủa vây sinh viên thì điều gì xảy ra? Đầu tiên là câu chuyện… rộn ràng mở tiệc mừng con đến giảng đường ở khắp hang cùng ngõ hẻm. Sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia, thì sĩ tử lại bối rối vì quá nhiều giấy mời nhập trường ĐH. Tất nhiên, đó không phải là những ĐH thuộc top đầu, mà là lời chào đầy quyến rũ của những trường ĐH địa phương.
3. Khi ĐH bủa vây sinh viên thì điều gì xảy ra? Đầu tiên là câu chuyện… rộn ràng mở tiệc mừng con đến giảng đường ở khắp hang cùng ngõ hẻm. Sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia, thì sĩ tử lại bối rối vì quá nhiều giấy mời nhập trường ĐH. Tất nhiên, đó không phải là những ĐH thuộc top đầu, mà là lời chào đầy quyến rũ của những trường ĐH địa phương.
Miễn đừng trượt THPT quốc gia, còn lại thì dù thí sinh thi được bao nhiêu điểm cũng dễ dàng trở thành sinh viên. Rớt nguyện vọng nọ thì đậu nguyện vọng kia. Và không đậu nguyện vọng nào cũng có ngành học khác được vun vén để thí sinh yên tâm nộp học phí làm tân sinh viên, miễn sao gắn được 4 chữ “sinh viên ĐH” ĐH vơ vét sinh viên, thì hệ thống cao đẳng và trung cấp nghề càng bế tắc.
Bởi lẽ, tâm lý đám đông vẫn ưa chuộng cái vẻ bề ngoài lấp lánh của cánh cổng trường ĐH hơn. Trong nỗi lo bội thực cử nhân tương lai, có một điều phải đắn đo chính là chất lượng ngành sư phạm. Với mức học lực trung bình vẫn đặt chân đến giảng đường, thì các thầy cô giáo tương lai sẽ dạy dỗ thế hệ sau như thế nào?