Trong khi con số tỷ lệ thất nghiệp do Tổng cục Thống kê công bố liên tục giảm, thì số lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp lại tăng mạnh.
Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của người trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2012 là 2,17%, trong khi năm trước là 2,22% và năm 2010 là 2,8%. Như vậy, tỷ lệ thất nghiệp liên tục giảm trong những năm gần đây.
Tình hình ở TPHCM cũng xảy ra tương tự. Theo ông Nguyễn Văn Xê, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM, tỷ lệ thất nghiệp ở thành phố ước tính của năm nay khoảng 4,9%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy vậy, ông Xê cũng cho rằng con số này không thật chính xác, và ông bối rối với câu hỏi con số đó được tính ra sao. Tuy vậy, ông Xê cho rằng việc tìm việc làm mới cho lao động năm nay chậm lại so với các năm trước do tình hình kinh tế khó khăn.
Hiện tại, chỉ có thể nhìn vào con số đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp để thấy được phần nào tình hình thực tế. Theo ông Lê Quang Trung, Cục phó Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong 9 tháng năm nay có 423.000 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong số này có 345.000 người đã có quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp. So với tổng số đăng ký hưởng thất nghiệp từ năm 2010 đến nay, con số của riêng 9 tháng năm 2012 đã bằng gần 50%.
Phân tích về mức tăng đột biến trong năm nay, ông Trung cho rằng có nhiều lý do như số người tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp tăng lên, số người đủ điều kiện hưởng trợ cấp cũng nhiều hơn và việc di dời cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi thành phố cũng là nguyên nhân khiến nhiều lao động phải nghỉ việc.
“Nhưng nguyên nhân lớn nhất vẫn là kinh tế khó khăn, hàng hóa ứ đọng, sức mua thấp khiến nhiều doanh nghiệp đóng cửa, giải thể, hoặc cho người lao động nghỉ bớt để giảm chi phí”, ông Trung nói.
Trong khi đó, tại TPHCM, theo thống kê của Trung tâm giới thiệu việc làm, trong gần 100.000 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 9 tháng thì số lượng những người có mức lương hàng tháng gần 7 triệu đồng trở lên chiếm trên 8%, khá cao so với mức chỉ 5% của năm ngoái.
Theo đại diện của trung tâm này, tình hình khó khăn chung đã ảnh hưởng đến công ăn, việc làm của những người có trình độ từ cao đẳng trở lên. Số lượng lao động đến xin việc tại trung tâm ngày càng tăng, trong khi nhu cầu tuyển dụng ở các công ty lại giảm đi.