Đánh bắt tận diệt đang đầu độc nguồn nước của TPHCM

(ĐTTCO) - Sông Đồng Nai, nơi cung cấp nước đầu vào cho các nhà máy xử lý nước ở Đồng Nai và TPHCM với hơn 20 triệu người. Những năm trước đây, để bắt cá tôm trên sông Đồng Nai nhiều người dùng thuốc nổ hoặc kích điện.

Đánh bắt tận diệt đang đầu độc nguồn nước của TPHCM

Nhưng gần đây không biết khởi xướng từ đâu, một số người sử dụng cách rất tàn độc là đổ thẳng thuốc trừ sâu xuống sông để khai thác tôm càng xanh.

Cách thức đánh bắt của những người này là cùng lúc đi nhiều thuyền thành nhóm hỗ trợ nhau nhằm đối phó với chính quyền. Để đánh bắt nhanh, họ sử dụng những loại thuốc trừ sâu cực độc có nhãn hiệu Fastac 5EC và Sapen Alpha 5EC, cho vào bao cát rồi thả xuống những luồng nước có đàn tôm càng xanh.

Tôm càng xanh trúng độc, mắt chuyển sang màu đỏ, nổi lên mặt nước, lừ đừ trôi dạt vào bờ. Những người tận diệt chỉ việc vớt lên mang đi bán. Loại tôm dính độc này rất nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng, hơn thế nữa họ đã trực tiếp đầu độc nguồn nước mặt sông Đồng Nai.

Từ năm 2023, các cơ quan chức năng như Cảnh sát giao thông Đường thủy TPHCM, Chi cục Thủy sản Đồng Nai đã phối hợp thực hiện 36 đợt kiểm tra, kiểm tra liên ngành trên vùng giáp ranh giữa các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương và TPHCM.

Khi chính quyền làm gắt, hiện tượng tận diệt tôm bằng thuốc trừ sâu lắng xuống, nhưng qua đợt kiểm tra lại trở lại. Theo cán bộ Chi cục Thủy sản Đồng Nai, đi dọc bờ sông bắt gặp không ít những vỏ chai thuốc trừ sâu vương vãi trên bờ và mặt nước.

Có thể lượng thuốc trừ sâu của các đối tượng đánh bắt tận diệt không lớn, nên chưa ảnh hưởng nguồn nước sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. Nhưng đây là nguồn nước duy nhất cung ứng cho hàng chục triệu người sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn TPHCM. Mỗi ngày Tổng công ty cấp nước Sài gòn (Sawaco) cung ứng 2,4 triệu m3 nước sạch cho sản xuất và tiêu dùng, với 94% trong số đó từ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.

Sông Đồng Nai là một trong số những con sông hiếm hoi là sông nội địa, nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Việt Nam. Sông Đồng Nai khởi nguồn từ cao nguyên Langbiang (Lâm Đồng) có tổng chiều dài 586km. Một điều đặc biệt là cho dù mùa khô hay mùa mưa, sông Sài Gòn không bao giờ cạn, chỉ vơi bớt vào mùa khô. Người dân TPHCM không bao giờ thiếu nước, nhưng có 2 điều đáng lo nhất là mất rừng đầu nguồn, mất thảm thực vật khiến sông Đồng Nai sẽ chết, và thứ hai là ô nhiễm.

Sông Sài Gòn dài 225km, chảy qua địa phận 5 tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM (đoạn qua TPHCM dài 80km). Tuy nhiên, vì thành phố nằm cuối lưu vực nên không thể kiểm soát được mọi hoạt động liên quan đến môi trường sông ở thượng lưu, nhất là vấn đề nguồn nước đang bị ô nhiễm.

Thượng nguồn sông Sài Gòn - Đồng Nai có 55 nhà máy, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, thậm chí các trại chăn nuôi heo, gà có quy mô lớn xả thẳng nước thải ra sông, người dân sống 2 bên bờ xả thẳng nước sinh hoạt không qua xử lý xuống sông làm chất lượng nước suy giảm. Đến bây giờ lại thêm vấn nạn đánh bắt tôm bằng thuốc trừ sâu.

Để có nguồn nước sinh hoạt đạt chuẩn, TPHCM phải tốn kém rất nhiều chi phí. Mỗi năm thành phố bỏ 22 tỷ đồng để thu gom rác thải, các nhà máy nước Thủ Đức, Tân Hiệp và phải sử dụng rất nhiều loại hóa chất, thiết bị chuyên dùng để xử lý nguồn nước.

Việc người dân sử dụng thuốc trừ sâu đánh bắt tôm cá khiến bộ phận kỹ thuật Wasaco phải mất thêm nhân lực và chi phí dự phòng cho tình huống xấu xảy ra. Mặc dù nước cung ứng cho người dân thành phố chưa có vấn đề gì nghiêm trọng, nhưng chất lượng chỉ ở mức vừa đạt tiêu chuẩn của Việt Nam, còn rất xa mới có thể đạt được mức nước uống tại vòi cho khách du lịch và tất cả người dân như ở châu Âu.

Những gì Tổng công ty Cấp nước TPHCM (Wasaco) và Công ty cấp nước Đồng Nai (Dowaco) đang làm chỉ là giải pháp kỹ thuật mang tính đối phó, do đó cần có những giải pháp căn cơ hơn, lâu dài hơn.

Hầu như các con sông lớn chảy qua nhiều địa phận quốc gia, vùng miền bao giờ cũng có một ủy ban hay hội đồng quản lý, nhằm kiểm sát và điều phối mọi hoạt động trên và xung quanh dòng sông đó, không phải ai muốn xây dựng như thế nào, ném cái gì xuống sông cũng được.

Nhưng có một điều lạ là đến nay, chưa có được hội đồng điều phối sông Sài Gòn với các thành phần tham gia có đủ 5 tỉnh thành TPHCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai. Chính vì thế mỗi khi có sự cố liên quan đến sông Sài Gòn, chỉ có một mình TPHCM phải gồng lên và lãnh đủ.

Còn nhớ năm 2018, nhờ có sự đấu tranh kiên quyết của TPHCM mới dẹp bỏ được một trang trại nuôi heo rộng 14.000m2, được xây dựng trên đầu nguồn cấp nước ở Đồng Nai, khiến TPHCM có nguy cơ bị ô nhiễm nguồn nước và phát tán dịch bệnh nguy hiểm. Mặc dù đã có Luật Môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Giao thông đường thủy, nhưng Đông Nam bộ vẫn cần tính đến một quy định riêng cho sông Sài Gòn nhằm kiểm soát và chế tài các tổ chức và cá nhân để bảo vệ con sông xanh, sạch như các nước đã thực hiện.

Trong đó có các quy định rõ ràng về mức phạt cho từng hành vi và quy mô làm sát thương dòng sông, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự như đối với việc đánh bắt tôm cá bằng thuốc trừ sâu. Kèm theo đó là hệ thống kỹ thuật như camera giám sát, các cảm biến chuyên dụng, các trạm quan sát nhằm phát hiện rác thải, ghi nhận những hành vi xả rác vào ban ngày và ban đêm để không bỏ sót bất cứ hoạt động nào làm tổn thương dòng sông.

Khách du lịch khi đến Việt Nam thường so sánh về mức độ xanh, sạch của sông, hồ với những con sông nổi tiếng như sông Moscow, sông Hoàng Phố, sông Hán, vịnh Marina…

Xin thưa, để được như vậy họ phải có hẳn một thể chế bảo vệ sông. Còn nhớ, có lần tôi đưa 30 sinh viên tham dự tour du lịch sông Chaophraya của Bangkok (Thái Lan), trước khi bước chân xuống tàu, chủ tàu đã cảnh báo ngay phải tuyệt đối không xả rác, nếu xả rác sẽ bị phạt 10.000 baht (khoảng 6 triệu đồng Việt Nam).

Do đó, cái quan trọng nhất quyết định đến số phận sông Sài Gòn chính là ý thức trân trọng và bảo vệ của mỗi người dân sống quanh dòng sông. Chúng ta cần phải phẫn nộ và lên án những kẻ táng tận lương tâm, chỉ vì một mớ tôm mà cam tâm hủy diệt cả dòng sông - nơi nguồn sống và sinh hoạt của cả vùng rộng lớn Đông Nam bộ.

Các tin khác