Đánh cược với Covid-19 Đùa với lửa, mất sinh mạng

(ĐTTCO)-Thủ tướng Anh Boris Johnson đã xét nghiệm dương tính với coronavirus. Đã có rất nhiều bình luận nhưng phần lớn không phải thương tiếc cho ông Johnson, mà cho rằng đây là cái giá ông phải trả cho việc mạo hiểm với chiến lược chống dịch cúm Covid-19 thiếu dứt khoát từ ban đầu. 
Người dân nước Anh dù hoảng loạn với dịch bệnh nhưng việc phòng chống vẫn lơ là.
Người dân nước Anh dù hoảng loạn với dịch bệnh nhưng việc phòng chống vẫn lơ là.
Ván cược trả giá cả ngàn sinh mạng
Những quan điểm này có thể hơi quá khích, nhưng nó phản ánh một góc nhìn của người Anh. Đó là Boris Johnson đã đặt cược sinh mạng của nhiều người dân Anh vào trong canh bạc chống dịch của mình. Và nay có vẻ như ông đã thua cược. Nhưng cái giá phải trả gần 800 người tử vong và con số này dự đoán lên đến hàng ngàn người.
Chính sách của chính phủ Boris Johnson bị chi phối nhiều bởi Cố vấn chính sách Dominic Cummings, người được cho thân cận nhất Thủ tướng, và nhóm chuyên gia “kỳ quái” của ông này. Một người trong số đó đã phải từ chức vì có những phát ngôn phản xã hội gần đây. Nhóm cố vấn này luôn bị chỉ trích dùng những chiến lược dựa trên hệ tư tưởng hơn là dựa vào khoa học thật sự, dù họ luôn khoác lác rằng mình sử dụng “dữ liệu lớn” và tiến bộ khoa học.
Một số chiến lược của nhóm này được cho là thành công trong việc mang đến Brexit cho Anh và đánh bại đảng Lao động trong bầu cử gần nhất. Bao nhiêu trong số đó do may mắn, do đặt cược vào những chiến lược có rủi ro cao, không ai có thể nói rõ.
Nhưng ván cược COVID-19 rõ ràng đang thua nặng. Và cái giá phải trả là sinh mạng tính theo đơn vị trăm và ngàn người. Sau khi thủ tướng Anh tuyên bố xét nghiệm dương tính với coronavirus, truyền thông Anh quay được cảnh Dominic Cummings tháo chạy ra khỏi Downing Street bằng cửa sau.
Tờ Metro viết: “Ông Cummings, một con người gây nhiều tranh cãi ở Anh, là cố vấn chủ chốt của thủ tướng, và được cho là người đứng đằng sau chiến lược “miễn dịch cộng đồng” ban đầu của chính phủ. Không có hình tượng nào phản ánh tốt hơn sự đổ vỡ của chiến lược này hơn thế. Cuộc chiến chống dịch không phải phòng thí nghiệm, càng không phải sòng bạc”.

Ông Johnson đã đặt cược như thế nào? 
Lần lại những bài báo ban đầu về chính sách chống dịch của Anh, bài báo trên tờ Financial Times ngày 13-3 chỉ ra điểm quan trọng “Boris Johnson cố gắng duy trì nền kinh tế Anh vẫn hoạt động”. Bài báo cho rằng Thủ tướng Anh lắng nghe các cố vấn và tin rằng miễn dịch cộng đồng với Covid-19 sẽ đạt được một cách từ từ, đồng thời không cần thiết phải thực hiện những biện pháp chặt chẽ như đóng cửa trường học, sự kiện đông người và cách ly người già.
Song điều này không có nghĩa nhóm của Boris Johnson muốn cho dịch “lây nhanh nhanh” để sớm đạt được 40 triệu người Anh miễn dịch cộng đồng. Họ muốn đạt con số đó, nhưng một cách từ từ trong hơn 1 năm, để không làm hệ thống y tế quốc gia (NHS) quá tải. 
Giả sử suốt 1 năm ở Anh có 40 triệu người nhiễm, 1% trong số đó cần can thiệp y tế, tức khoảng 400.000 người. Nếu thực hiện vài biện pháp phòng dịch cơ bản như rửa tay, tránh tiếp xúc cơ thể, yêu cầu người già tránh xa nơi đông người, nhóm cố vấn của Boris Johnson tin có thể “kéo” đỉnh cao nhất của số người cần nhập viện hỗ trợ y tế trong cùng thời điểm xuống 4.000 người, có nghĩa nằm trong khả năng chữa trị của NHS. Vậy là Boris Johnson đạt được mục tiêu: vừa không làm nền kinh tế hôn mê, không tiêu tốn chi phí đóng cửa trường học (ước tính chừng 3% GDP) nhưng vẫn giảm số người chết ở mức thấp nhất.
Nếu ván cược này thành công, Boris Johnson sẽ là người hùng chống dịch, vừa giữ được kinh tế, vừa giữ được số người chết thấp nhất. Nhưng đó lại là canh bạc không phải chính sách dựa trên khoa học thật sự. Nhà báo Robert Peston chỉ ra vấn đề, điều cốt lõi là những gì Boris Johnson và cố vấn của ông không biết, không thể biết, chứ không phải những gì họ biết. Đó là sự bất định về tỷ lệ người nhiễm bệnh cần can thiệp y tế. Nó cách khác, nếu 40 triệu người nhiễm bệnh và 5% trong đó cần can thiệp y tế, tức 2 triệu người, hệ thống y tế Anh chắn chắn sẽ đổ vỡ.
Nói cách khác, nhóm chuyên gia của Boris Johnson đã đưa ra những lời khuyên dựa trên giả định về một tỷ lệ cần phải can thiệp y tế bản thân họ cũng không biết nó đúng hay sai. Đơn giản là họ không thể biết chuyện của tương lai. Họ là chuyên gia, không phải thần thánh.
Trước sự phản đối của hàng trăm nhà khoa học về cách thức chống dịch Covid-19 của chính phủ, nhóm cố vấn dự báo số liệu cho Boris Johnson đã “điều chỉnh” dự báo của mình, cho rằng số liệu ước đoán ban đầu của họ đã quá lạc quan. Nếu chỉ thực hiện những biện pháp như ban đầu, là chỉ thực hiện “giãn cách xã hội” một cách qua loa, không đóng cửa trường học, không yêu cầu mọi người ở nhà, số ca bệnh cần được can thiệp sẽ gấp 3 lần năng lực đáp ứng của hệ thống y tế quốc gia NHS. Và số người chết sẽ là 250.000 người.
Con số khủng khiếp đó đã làm đảo ngược hoàn toàn tình hình. Boris Johnson đã làm cú cua hình chữ U ngoạn mục, lái con tàu của Anh quốc quay lại một chính sách mà trước đó ông định nghĩa là hà khắc: đóng cửa trường học, hủy các sự kiện đông người, siết chặt giãn cách xã hội, khuyến khích các công ty cho nhân viên làm việc ở nhà, phạt nặng những người tụ tập, không tuân thủ quy định giãn cách xã hội. Boris Johnson đã thua ván cược như vậy. Ông và đội ngũ cố vấn đặt cược trên thứ họ không thể biết nhưng tin rằng đó là khoa học. Thật ra, đó chỉ là đánh cược.
Một bài viết của Nassim Nicholas Taleb, tác giả của thiên nga đen, trên tờ Guardian, với tựa đề “Chính sách chống dịch corona của Anh nghe có vẻ khoa học. Nhưng nó không phải”, đã chỉ ra sự ảo tưởng và hiểu sai những khái niệm hấp dẫn như “miễn dịch cộng đồng” và “cú hích”, để rồi lấy đó làm cơ sở cho một chiến lược gần như “không làm gì cả”. Nhiều chuyên gia dịch tễ và kinh tế học cũng chỉ ra những sai lầm về mặt học thuật. Nhưng Taleb đã rất mạnh dạn và thẳng thắn khi vạch trần chiến lược của chính phủ Boris Johnson, đó là “không làm gì cả” và hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp.

Những bài học từ Anh
Bài học từ Anh rất đơn giản: chống dịch không phải canh bạc, không phải thí nghiệm khoa học. Có quá nhiều biến số không thể biết trước, không có mô hình nào dự đoán đúng được. Chuyên gia không phải thần thánh mà biết trước tương lai. Vì vậy, trong thời điểm này, thà phản ứng thái quá còn hơn phản ứng chậm chạp. Bài học của Italia, Anh hay Mỹ đang rất rõ ràng. Ai đó có thể nói nhưng Đức và Hà Lan vẫn chết ít người? Vậy có cần làm quá không? Singapore vẫn chưa đóng cửa trường?
Vấn đề đơn giản là: ai dám đặt cược nếu không làm nghiêm ngặt, Việt Nam sẽ giống với Đức (nghĩa là số người chết ít), không phải Italia đã hơn 9.000 người chết, đến nỗi người ta không thể làm đám tang riêng cho người thân vì quá nhiều. Ai dám nói chắc sẽ không có vụ bùng nổ dịch ở trường học - vốn là nơi tập trung đông người? Bài học về đặt cược của Anh vẫn còn ở đó. Và không có ai có đủ tư cách để chịu trách nhiệm về cái chết của hàng ngàn con người nếu thua cược.
Từ lơi lỏng ban đầu, Mỹ và Anh đang phải tiến hành những biện pháp khẩn cấp quốc gia, chống dịch như chống giặc (Thủ tướng Anh nhắc tới tinh thần Blitz trong thế chiến thứ hai). Nhưng vì họ thực thi những chiến lược đó trễ, số người chết vẫn đang tăng từng ngày. Việt Nam đã may mắn vì chính phủ thực hiện những biện pháp kiên quyết ngay từ đầu và chấp nhận hy sinh những lợi ích kinh tế ngắn hạn. Con đường đúng đắn này cần được kiên trì. Đi chệch con đường này, bắt đầu lo nghĩ đến những yếu tố khác, không đặt sinh mạng lên hàng đầu, là đã bắt đầu đặt cược.
Tất nhiên, kiên trì con đường chống dịch như chống giặc không phải không có trả giá. Nhiều người lo ngại biện pháp mạnh này sẽ dẫn đến kiệt quệ sức dân, thất nghiệp và nhiều cảnh đời khó khăn sẽ bị bỏ quên khi báo chí tập trung khai thác chủ đề dịch bệnh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “không bỏ ai ở lại phía sau” khi nói về tăng trưởng kinh tế năm ngoái. Đây là lúc quán triệt quan điểm đó trong thời chiến chống dịch. Chúng ta chống dịch tốt, nhưng chúng ta cũng không thể để nhiều mảnh đời bị bỏ lại phía sau. Doanh nghiệp và người dân cần được dưỡng sức trong lúc chống dịch để khi dịch đi qua, họ có thể nhanh chóng đưa nền kinh tế vận hành trở lại bình thường.
Mỹ đã vừa thông qua gói cứu trợ ngân sách 2.000 tỷ USD chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, hỗ trợ người dân qua chi trả tiền trực tiếp, mở rộng hỗ trợ thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Anh cũng dành khoản ngân sách lớn chưa từng có để hỗ trợ hệ thống y tế NHS, cam kết chi trả lương giúp cho doanh nghiệp lên đến 80% lương người lao động có thu nhập thấp và trung bình, nếu chủ doanh nghiệp đồng ý giữ lại việc làm cho các lao động này thay vì sa thải họ.
Chính phủ Anh cũng đang chuẩn bị gói hỗ trợ doanh nghiệp qua giãn thuế. Tất nhiên, vẫn còn đó những tranh cãi doanh nghiệp ngành nào nên được cứu, ngành nào không. Nhưng chí ít, họ đã “khoanh tiền” cứu trợ đã. Cứu thế nào, xài tiền ra sao tùy tình hình. Chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội phải đi đôi. 
Muốn vậy, đây không phải là lúc thận trọng quá mức trong chi tiêu công và vay nợ quốc tế. Đức, một nước nổi tiếng cực kỳ bảo thủ với ngân sách, đã xé rào các qui định kỷ luật ngân sách, tiến hành vay nợ 350 tỷ EUR qua thị trường trái phiếu. Thời điểm khẩn cấp cần chính sách phi thường và cách nghĩ vượt ra ngoài sách vở, cũng như kinh nghiệm ở thời kỳ bình thường. 

Các tin khác