Danh họa Nguyễn Gia Trí tài năng xuất chúng

(ĐTTCO) - Nguyễn Gia Trí (1908-1993) là một trong những danh họa lớn nhất Việt Nam, người mở ra khuynh hướng tranh sơn mài nghệ thuật đỉnh cao và tiên phong vẽ minh họa, biếm họa trên sách báo đầu thế kỷ 20. 

Cách đây tròn 60 năm, vào xuân Canh Tý 1960, danh họa đã gây chấn động bằng bức tranh biếm họa 5 con chuột đục khoét quả dưa hấu in trên bìa báo Tự Do số Tết ở Sài Gòn, mà dư luận cho rằng ông nhắm vào gia đình trị Ngô Đình Diệm.

Khát vọng cách tân nghệ thuật dân tộc
“Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn”. Đó là câu truyền miệng về bộ tứ họa sĩ hàng đầu thế hệ tiên phong khai sinh nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn. Cả 4 danh họa đều học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội, trong đó Tô Ngọc Vân tốt nghiệp khóa 2, Nguyễn Tường Lân khóa 4, Nguyễn Gia Trí và Trần Văn Cẩn khóa 7. Thực ra ban đầu Nguyễn Gia Trí học khóa 4 (1928-1933) cùng Nguyễn Tường Lân, nhưng vì hoàn cảnh riêng phải bỏ dở, sau đó mới quay lại học tốt nghiệp khóa 7 (1931-1936) cùng với Trần Văn Cẩn. 
Danh họa Nguyễn Gia Trí tài năng xuất chúng ảnh 1 Họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993)
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí là người ít nói, ăn mặc giản dị, thoải mái, vui tính, dễ gần. Nhưng trong công việc ông rất khó tính, tập trung, chăm chút từng nét vẽ, cách phối màu. Khởi đầu vẽ bằng chất liệu sơn dầu, ngay sau đó Nguyễn Gia Trí tìm cho mình con đường sáng tạo riêng khi chuyển sang sơn mài và nhanh chóng tạo phong cách riêng, mở ra khuynh hướng nghệ thuật mới cho một chất liệu tranh truyền thống của dân tộc. Năm 1939, Nguyễn Gia Trí tổ chức cuộc triển lãm tranh sơn mài cá nhân đầu tiên tại Hà Nội, đã gây ngạc nhiên và tạo tiếng vang lớn trong giới mỹ thuật lẫn dư luận, khi trưng bày những tác phẩm sơn mài độc đáo bằng kỹ thuật sáng tạo mới mẻ riêng biệt.
Từ dấu ấn đặc biệt ở cuộc triển lãm cá nhân này, họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã dành cả đời để tìm tòi, khám phá, sáng tạo, phát triển nghệ thuật tranh sơn mài lên đỉnh cao bằng những tuyệt tác sắc màu táo bạo, bay bướm, lộng lẫy, độc đáo, mẫu mực. Tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí kết tinh từ tình yêu, tâm huyết, khát vọng cách tân nghệ thuật dân tộc với trí tuệ dung hòa 2 dòng văn hóa Đông Tây, bằng kỹ thuật điêu luyện của một tài năng xuất chúng, tạo nên ngôn ngữ hội họa riêng biệt, vừa thực vừa ảo, góp phần làm rạng danh nền mỹ thuật Việt Nam trên thế giới.
Danh họa Nguyễn Gia Trí tài năng xuất chúng ảnh 2
Biến sơn ta thành kỹ thuật sơn mài đỉnh cao, khẳng định tầm quan trọng của chất liệu này trong nền mỹ thuật dân tộc hiện đại, chủ đề tranh Nguyễn Gia Trí rất thân thuộc với người Việt Nam. Đó là phong cảnh thiên nhiên, núi đồi, sông suối, cây cỏ; là cảnh sắc, đình chùa, phong tục, tập quán, đời sống sinh hoạt hàng ngày của làng quê; là những thiếu nữ duyên dáng, thơ mộng trong tà áo dài trẩy hội, vui xuân, chơi tết. Vào thập niên 1960-1970 có lúc Nguyễn Gia Trí chuyển hướng sang vẽ tranh trừu tượng, nhưng cuối đời ông quay trở về với nguồn cảm hứng vừa lãng mạn vừa hiện thực của văn hóa Việt ông theo đuổi từ thời trẻ.
Một trong những tác phẩm ấn tượng nhất biểu hiện tài năng tạo hình và diễn tả sơn mài đạt đến đỉnh cao của họa sĩ Nguyễn Gia Trí là bức bình phong 2 mặt Thiếu nữ trong vườn và Phong cảnh. Tác phẩm  gồm 8 tấm ghép lại thành bình phong hình chữ nhật có kích thước 159 x 400cm. Mặt thứ nhất của bình phong là tranh Thiếu nữ trong vườn, còn mặt thứ hai là tranh Phong cảnh, thường được gọi Dọc mùng. Nếu Thiếu nữ trong vườn đậm chất cao sang và trang nhã, với tinh thần thư nhàn toát lên từ sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên cảnh vật, hấp dẫn người thưởng lãm bởi thế giới sơn mài huyền ảo, thì Phong cảnh diễn tả cây dọc mùng bằng đường nét vẽ khỏe khoắn, với những mảng vỏ trứng lung linh kết hợp với sắc đỏ của son, ánh rực rỡ của vàng, độ sâu thắm của sơn then và cánh gián, hiện lên phong cảnh nông thôn Bắc bộ đẹp lộng lẫy và sâu thẳm.
Bức tranh 5 con chuột Xuân Canh Tý 1960 
Các cây bút lão thành từng sống và viết ở Sài Gòn trước năm 1975 như Sơn Nam, Kiên Giang, Ngọc Linh, Nguyên Hùng, Phan Nghị… hay kể lại những chuyện hậu trường làm báo Tết. Trong đó có chuyện tòa soạn báo Tự Do đã bị cảnh sát ập vào kiểm tra, tịch thu số báo Xuân Canh Tý 1960. Nguyên nhân, trên trang bìa số Xuân Canh Tý của báo Tự Do là bức tranh vẽ 5 con chuột đang ăn quả dưa hấu. Con chuột là một trong 12 con giáp, nên năm Tý vẽ chuột là chuyện bình thường. Nhưng có kẻ mách lẻo “tham mưu” tâng công với lãnh đạo chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ, rằng 5 con chuột đang ăn quả dưa hấu ám chỉ 5 anh em gia đình trị họ Ngô đang đục khoét đất nước. 
Tuy nhiên, mọi suy đoán đều không có chứng cứ, bởi bức tranh 5 con chuột ăn quả dưa hấu đơn thuần cũng chỉ là một tác phẩm nghệ thuật. Chính quyền Sài Gòn cũng chẳng có văn bản nào kết luận báo Tự Do vi phạm vì bức tranh. Chỉ có điều, sự giận dữ của anh em họ Ngô qua việc lệnh cấp dưới lục soát, đập phá trụ sở, tịch thu báo Tự Do và truy tìm tác giả bức tranh, đã cho thấy họ tự nhận mình là 5 con chuột mà dư luận đang bàn tán.
Một điều bất thường, bức tranh 5 con chuột ăn dưa hấu không có tên tác giả. Có 2 họa sĩ nằm trong vòng nghi vấn: Nguyễn Gia Trí và Phạm Tăng, đều là bậc tài danh xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội vào sống ở Sài Gòn và là bạn thân của nhau. Lúc tờ báo Tự Do ở Sài Gòn ra đời năm 1954, họa sĩ Phạm Tăng là một trong những thành viên ban biên tập và thường xuyên vẽ hí họa cho báo, còn họa sĩ Nguyễn Gia Trí cộng tác, thi thoảng vẽ vài bức tranh nhưng không ký tên. Khi xảy ra sự cố báo Xuân Canh Tý, Phạm Tăng đang du học bên Italia. Qua nhiều nguồn tin xác tín khác nhau, tác giả bức biếm họa 5 con chuột ấy chính là Nguyễn Gia Trí bấy giờ đang sống ở Sài Gòn.
Nguyễn Gia Trí từng hoạt động cách mạng và bị chính quyền thực dân Pháp bắt đày lên Sơn La. Ông có mối quan hệ thân thiết với nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) từ thời bắt đầu làm báo Phong Hóa ở Hà Nội đầu thập niên 1930, rồi cùng hoạt động chống Pháp cứu nước. Khi vào Sài Gòn, 2 ông đều bất mãn, chống đối chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm. Đó là lý do dẫn tới cái chết uất ức của nhà văn Nhất Linh, cũng như sự xuất hiện bức tranh gây chấn động dư luận của họa sĩ Nguyễn Gia Trí trên báo Tự Do xuân Canh Tý 1960. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của miền Nam lúc ấy, bức biếm họa là hành động dũng cảm của một nghệ sĩ lớn mang tinh thần yêu nước.  
 Nguyễn Gia Trí sinh năm 1908 ở xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây, nay thuộc Hà Nội, mất tại TPHCM năm 1993. Ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2012 cho 5 tác phẩm sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc”, “Thiếu nữ bên hoa phù dung”, “Bên đầm sen”, “Trong vườn” và “Cảnh nông thôn”. Tên của ông được đặt cho một con đường ở quận Bình Thạnh, TPHCM và một số tỉnh thành khác.

Các tin khác