'Đánh thức' 3 động lực nội sinh của kinh tế

(ĐTTCO) - Ngoài việc khuyến khích các động lực như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, đại biểu Quốc hội (ĐB) Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh cần phải đánh thức phát triển 3 động lực nội sinh, đó là khu vực nông nghiệp, văn hóa và du lịch.

Sáng 4-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Lãng phí vẫn là thách thức lớn

Trong phiên thảo luận, nhiều ý kiến ĐB cho rằng, bên cạnh những điểm sáng, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với một số khó khăn, thách thức.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp sáng 4-11. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng, những kết quả đạt được chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, lợi thế của đất nước. Trong đó, vấn đề lãng phí, thất thoát nguồn lực xã hội vẫn là một thách thức lớn. ĐB đề nghị vấn đề này cần được Quốc hội và Chính phủ quan tâm có giải pháp để phát huy tối đa tiềm lực của đất nước.

Góp ý cụ thể, ĐB đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá những dự án, công trình có vướng mắc về mặt thể chế hiện. Trong đó, đề xuất tháo gỡ các dự án qua thanh tra, kiểm tra, điều tra, bản án, các dự án chậm triển khai do các văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ.

ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu. Ảnh: VIẾT CHUNG

Hiện nay, việc khai thác và sử dụng nguồn lực đất đai vẫn chưa theo kịp nhu cầu, tiềm năng và cơ hội của đời sống kinh tế - xã hội. ĐB Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) cho rằng, điều này đặt ra vấn đề lớn trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, có việc chậm sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất là tài sản công của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn các địa phương.

Do vậy, ĐB Nguyễn Thành Nam đề nghị sớm chuyển giao các cơ sở nhà, đất do bộ, ngành Trung ương đang quản lý nhưng không có nhu cầu sử dụng về địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những vị trí nhà, đất để hoang hàng chục năm.

Nhà đầu tư mỏi mòn chờ đợi

Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ, từ năm 2021 đến tháng 8-2024, có 3.001 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa (chiếm 18,9% trong tổng số các quy định được rà soát). Theo ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), đây là một con số rất lớn.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

Những thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà trong kinh doanh là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân và doanh nghiệp. "Những thủ tục không cần thiết này làm lãng phí thời gian, lãng phí các nguồn lực xã hội và lãng phí cả những cơ hội đầu tư của doanh nghiệp", ĐB Nguyễn Thị Việt Nga nói.

Đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận. Ảnh: VIẾT CHUNG

Theo ĐB, con số hơn 3.000 thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa mang cả tín hiệu vui và chưa vui. Tín hiệu vui vì đây là kết quả của sự rà soát tích cực, trách nhiệm và khoa học. Nhưng, chưa vui vì con số này cũng là kết quả của sự hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua.

Trao đổi thêm, ĐB Nguyễn Thành Nam dẫn chứng thực tế về việc triển khai 2 dự án trọng điểm xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp huyện Hạ Hòa và huyện Tam Nông ở Phú Thọ.

ĐB cho biết, nhà đầu tư nộp hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu vào tháng 3-2021 và hoàn thiện bổ sung hồ sơ vào tháng 8-2022. Quá trình xử lý hồ sơ, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành 51 văn bản xin ý kiến, báo cáo, giải trình gửi các bộ, ngành.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thành Nam nhìn nhận, việc trả lời của các bộ, ngành rất chậm, không theo quy trình một cửa, chưa thực sự lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ. Đến nay, hồ sơ dự án vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

ĐB cho rằng, thời gian chờ đợi kéo dài làm nhà đầu tư mòn mỏi, dẫn đến mất cơ hội đầu tư và đề nghị, Quốc hội, Chính phủ tăng cường giám sát, kiểm tra chuyên đề về giải quyết thủ tục hành chính. Từ đó, để các cơ quan thực hiện đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Phát huy động lực tăng trưởng nội sinh

Trước thực trạng doanh nghiệp nội rút khỏi thị trường vẫn còn tăng, ĐB Trình Lam Sinh (An Giang) đề nghị, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về mặt chính sách, nhằm giúp các thành phần kinh tế trong nước tháo gỡ khó khăn.

ĐB Trình Lam Sinh (An Giang) phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

Đồng thời, Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ quyết liệt hơn, nhằm bảo hộ và kích cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước trước sự xâm nhập của hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài, thông qua thương mại điện tử và mạng xã hội.

Về động lực tăng trưởng, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, xuất khẩu phải có chính sách để kết nối vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với các doanh nghiệp trong nước. ĐB cũng đề nghị, quan tâm đến việc xuất khẩu tại chỗ qua việc khuyến khích phát triển du lịch.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị có những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư là tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện huy động được các nguồn lực xã hội trong phát triển kinh tế; cần phải có những chính sách tiếp sức cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng, nhất là vấn đề về giảm thuế cũng như khuyến khích vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận sáng 4-11. Ảnh: VIẾT CHUNG

Ngoài việc khuyến khích các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn... ĐB Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh cần phải đánh thức phát triển 3 động lực nội sinh, đó là khu vực nông nghiệp, văn hóa và du lịch.

“Đây là những thế mạnh của Việt Nam từ đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội, điều kiện thiên nhiên... thì 3 lĩnh vực này mới thực sự là chủ công của đất nước. Do đó, rất mong Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa đến 3 lĩnh vực này trong thời gian tới”, ĐB Trần Hoàng Ngân kiến nghị.

Về năng suất lao động, ĐB Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) cho rằng, vẫn còn ở mức thấp. ĐB đề nghị Chính phủ đánh giá, phân tích rõ nguyên nhân của kết quả này, đưa ra giải pháp phát huy hiệu quả cho giai đoạn tiếp theo.

ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Ngoài những biện pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để nâng cao năng suất lao động, ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) cho rằng, phải tinh gọn bộ máy mới đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Bởi vì hiện nay hồ sơ đi qua rất nhiều cơ quan, rất nhiều phòng ban. Theo ĐB, tinh gọn được bộ máy hành chính sẽ góp phần giải phóng mạnh mẽ hơn các nguồn lực xã hội, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

Việt Nam có 33 triệu lao động tự do

Đánh giá về lao động phi chính thức, ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) cho biết, theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, có khoảng 33 triệu lao động tự do trên tổng số 52 triệu lao động, chiếm hơn 65% tổng số lao động trong cả nước. Tuy nhiên, có đến 43,9% lao động phi chính thức được xếp vào các nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương. Hầu hết lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội chiếm 97,9%.

ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy đề nghị cần có giải pháp cập nhật, quản lý dữ liệu thông tin về lao động phi chính thức. Trên cơ sở đó, có chính sách hỗ trợ họ tự nguyện tham gia bảo hiểm xã hội, chính sách hưởng bảo hiểm y tế.

Các tin khác