“Tương đồng” giai điệu
Từ 3 tuần trước, MV Chúng ta của hiện tại bị một tài khoản người Việt báo cáo kênh YouTube của GC (GC tên thật là Gary, một nhà sản xuất âm nhạc chuyên sản xuất beat online, sống ở Anh), cho rằng beat (nhạc đệm) của ca khúc giống beat Is your mine của Bruno Mars.
Đến ngày 22-2, MV Chúng ta của hiện tại tạm thời gỡ khỏi YouTube; và tài khoản YouTube GC cho biết, phía ê kíp Sơn Tùng thừa nhận đã tham khảo phần beat. Trước phản ứng của không ít người hâm mộ quá khích của Sơn Tùng, GC phản hồi rằng đã nghe ca khúc và nhận định nốt, cách sắp xếp, phối khí, giai điệu điệp khúc quá giống nhau nên không thể gọi là tham khảo được.
“Tôi đã chịu đựng đủ rồi… Đặc biệt, đây không phải lần đầu tiên một nghệ sĩ Việt Nam làm điều đó. Nếu anh ấy và team của anh ấy chỉ đơn giản là liên hệ với tôi, tôi sẽ sẵn sàng giúp đỡ trong công việc”, GC viết.
Không những vậy, từ nhiều phản hồi trên YouTube, nhiều người cho rằng giai điệu ca khúc không chỉ tương đồng với beat Is your mine mà còn với R&B All Night (KnowKnow).
Trong lúc ồn ào quanh MV này còn nóng hổi thì MV Có chắc yêu là đây của Sơn Tùng tiếp tục bị tố có nhiều điểm tương đồng với bài Lucky được nhà sản xuất âm nhạc Robin Wesley (Hà Lan) đăng trên YouTube vào tháng 11-2019.
Chiều 23-2, Robin Wesley công chiếu video phần nhạc nền bài Lucky và mô tả: “Bản beat này được Robin Wesley sản xuất chính thức vào ngày 16-11-2019 với tên gọi Lucky. Sản phẩm này chỉ được sử dụng khi có sự cho phép”.
Ngoài ra, trên website chính thức, phía Robin Wesley phản hồi: “Cảm ơn mọi người đã lên tiếng việc sử dụng beat của tôi mang tên Lucky trong bài hát Có chắc yêu là đây. Rõ ràng là những sai lầm đã diễn ra và tôi thì không “may mắn” như tên bài hát. Xin hãy tử tế và tôn trọng lẫn nhau trong khi chúng tôi đang cố gắng giải quyết vấn đề này với nghệ sĩ”.
Khó phân định, nhưng phải tôn trọng
Giữa loạt lùm xùm, phía Sơn Tùng M-TP vẫn giữ im lặng. Hiện tại, MV Chúng ta của hiện tại đã xuất hiện trở lại trên YouTube. Theo nhận định của một số người trong nghề, đoạn beat thuộc quyền sở hữu của GC có thể đã được bán cho nhiều bên từ trước và ê kíp sản xuất âm nhạc của Sơn Tùng có lẽ mua beat qua đơn vị trung gian mà không phải chính chủ, để thực hiện sản phẩm mới. Một nhận định khác: MV Chúng ta của hiện tại trở lại YouTube có thể là hai phía đã làm việc trong “hòa bình” để giải quyết mọi chuyện êm đẹp.
Chuyện đạo nhạc vốn không mới và từng có nhiều vụ việc gây ồn ào trong làng nhạc Việt. Mới đây, ca khúc của J. bị nghi vấn có giai điệu hao hao ca khúc của Akira Phan và Selena Gomez. Gần đây nhất, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết có một bài hát về tết của anh mà một nhạc sĩ đã dùng nguyên phần hợp âm cấu thành bài hát, cấu trúc, nội dung, một số ca từ… để thực hiện sản phẩm. Có nhiều trường hợp “đạo” từ ca từ, nội dung đến giai điệu - tiết tấu.
Anh nói: “Đạo giai điệu, tiết tấu rất khó phân định, bởi ai trong chúng ta cũng từng nghe nhạc và nghệ sĩ lại càng nghe nhiều, độ thẩm âm mạnh hơn. Đôi khi nghe một ca khúc, họ bị ghi nhớ đến lúc viết ra giai điệu ca khúc của họ, thì giai điệu kia bật ra trong vô thức. Họ cứ nghĩ mình sáng tạo ra giai điệu ấy, vô tình trùng lắp… Bên cạnh đó, sáng tác ca khúc có rất nhiều khâu. Có nhạc sĩ chuyên viết lời, giai điệu, có nhạc sĩ chuyên hòa âm. Nhạc sĩ hòa âm luôn học cái mới, bổ sung vốn kiến thức. Đôi khi họ nghe những tiết tấu, hoặc mua một số beat trên mạng, một số beat được mua hợp pháp, một số beat họ nghe và lấy ý tưởng đó đưa vào bài. Nếu có sự giống nhau giữa các ca khúc, trong trường hợp này là do nhạc sĩ hòa âm chứ không phải nhạc sĩ sáng tác. Do đó, sự phân định đạo nhạc phải xem kỹ là đạo cái gì, đạo phần nào và quy trách nhiệm về đúng người. Nếu là đạo lời nhạc thì rõ ràng hơn vì có cái để so sánh, còn về giai điệu thì khó hơn”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng nhận định, một beat nhạc giống nhau ở 2 ca khúc chưa chắc đủ để gọi là đạo nhạc, bởi có những nhạc sĩ chuyên làm những beat nhạc để bán cho các nhạc sĩ sáng tác khác. Chuyện mua bán này có thể độc quyền hoặc không; rất nhiều nhạc sĩ cùng mua và từ đó họ phát triển thành nhiều bài hát khác nhau. Miễn việc mua bán diễn ra một cách rõ ràng, công khai và có sự công nhận, tên người hòa âm beat đó trong sản phẩm âm nhạc, thể hiện sự tôn trọng Luật bản quyền. Anh nói: “Tuy nhiên, là nghệ sĩ hay khán giả gì thì cũng cần có thái độ tôn trọng quyền tác giả, quyền sở hữu sản phẩm trí tuệ của người khác…”.
Có thể những lùm xùm đạo nhái trong âm nhạc rồi sẽ chìm đi, hoặc chỉ dừng lại ở mức nghi vấn, tranh cãi nhưng rõ ràng việc “học hỏi” hay “vô tình trùng lắp” thì mãi mãi không tạo nên chất riêng, phong cách người nghệ sĩ.
Chiều 24-2, GC tuyên bố kết thúc tranh chấp bản quyền trên YouTube vớiChúng ta của hiện tại, phục hồi MV này. Phía công ty của Sơn Tùng cũng đã có bài đăng trên trang Facebook chính thức, chia sẻ lại đoạn story từ GC với lời tuyên bố: “Âm nhạc không biên giới. Một người bạn mới của M-TP Entertainment ở nơi phương xa” (tạm dịch). Trong khi đó, chưa đầy 48 giờ trước, GC đã báo cáo YouTube đánh sập MVChúng ta của hiện tạivà sau đó bị fan Sơn Tùng tấn công dữ dội trênmạng xã hội. |