Tuy nhiên, chương trình đào tạo lái xe hiện nay vẫn còn nặng về lý thuyết, người học mất nhiều thời gian nhưng thiếu thuần thục khi lái xe.
Chậm thay đổi chương trình
Vừa mới học xong và có bằng lái ô tô hạng B2, chị N.T.T. (TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ, từ lúc học đến khi thi sát hạch mất gần 1 năm. Mỗi tuần, chị T. phải lên trung tâm học lý thuyết và bắt buộc điểm danh. Đã thế, trung tâm đưa lịch học 3 buổi/tuần, trung bình phải học 21 ngày mới đủ số tiết trong phần học lý thuyết. Chị N.T.T. kể, trung tâm phát tài liệu học luật với bài học có hình ảnh thực tế nhưng cũng phải lên trường học đầy đủ 90 giờ.
Trong khi đó, giáo trình lý thuyết ô tô có gần 50% nội dung đã học khi thi bằng lái xe mô tô. Thiết nghĩ, để tránh lãng phí thời gian và tiền học phí, những ngày đầu tiên, giáo viên hướng dẫn tình huống giao thông để học viên về nhà tự học; giảm số giờ học lý thuyết, thay vào đó tăng số giờ học thực hành. Nhiều học viên quan tâm đến môn phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông nhưng số giờ học rất ít.
Học viên chỉ học mô phỏng 4 giờ và thực hành trên cabin mô phỏng chỉ có 3 giờ. Hai môn này giúp học viên tiếp cận nhanh hơn lý thuyết, đi vào thực tiễn giao thông bên ngoài. Phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông chỉ cần lên mạng tải; còn muốn học thêm cabin mô phỏng cũng không được do giáo trình không cho phép đào tạo thêm.
Theo đề nghị của một số trung tâm đào tạo lái xe ô tô, giáo trình dạy lái xe cần thay đổi theo hướng gắn liền với thực tiễn, có thể học trực tuyến tại nhà. Hiện nhu cầu người học lái xe có nhiều phân khúc, như người muốn học để đi làm, người học do gia đình có xe, người trên 18 tuổi muốn học… Mỗi người có công việc riêng nên việc học tập trung rất khó. Do đó, học viên có thể học trực tuyến hoặc qua đoạn phim thu sẵn của trung tâm đào tạo.
Cần đa dạng, linh động hình thức đào tạo
Cũng theo các trung tâm đào tạo lái xe ô tô, cần áp dụng học lái xe ô tô như đào tạo theo tín chỉ ở các trường đại học và có thể học nhanh nếu vượt kỳ thi. Học lái xe ô tô thì có người học lý thuyết giỏi, có người học thực hành giỏi, có người giỏi cả lý thuyết lẫn thực hành. Cho nên, người học có thể đăng ký theo từng môn học, giống như học tín chỉ. Nếu học viên tự tin vượt qua kỳ thi lý thuyết có thể đăng ký thi sớm; nếu thi đạt tiếp tục học thực hành.
Sau khi học hết số giờ thực hành có thể đăng ký thi sớm; nếu rớt sẽ tiếp tục học lại môn đó. Tùy theo trình độ mỗi người, người học giỏi lý thuyết nhưng thực hành còn yếu sẽ tập trung học thực hành để thi lại. Hay ngược lại, người học chậm lý thuyết nhưng lại giỏi thực hành thì sẽ tốn nhiều thời gian cho môn lý thuyết. Vấn đề ở đây là các trung tâm chỉ cần siết chặt đầu ra.
Ngoài ra, môn chạy đường trường ngoài quốc lộ, tỉnh lộ cần giảm 1/2 quãng đường. Thay vào đó, số giờ học trong cabin mô phỏng tập lái ô tô nên tăng thêm. Bởi, cabin mô phỏng có giáo trình lái thực tế ảo có nhiều bài từ đường đèo, đường dốc, đi vào vùng sương mù, vượt các tình huống khó… nên người học sẽ trải nghiệm giống như chạy ngoài đường nhằm đảm bảo an toàn trước khi học trên xe thực tế.
Theo ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, sở đang kiến nghị Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam đánh giá lại tác động, hiệu quả thực tế các quy định về chương trình đào tạo lái xe. Nhiều cơ sở đào tạo lái xe vẫn sử dụng ô tô đời rất cũ, nên khi tham gia giao thông (tập lái) sẽ tiềm ẩn nguy hiểm, đặc biệt là với học viên chưa có những kỹ năng xử lý chuẩn xác. Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo lái xe, cần thiết phải có quy định về niên hạn sử dụng đối với ô tô sử dụng để dạy lái.
Tại Thông tư 04/2022 của Bộ GTVT, học viên được coi là hoàn thành nội dung học thực hành lái xe trên đường nếu số giờ học không ít hơn 50% số giờ theo quy định, nhưng số km thực hành thì phải đạt 100% theo quy định. Các cơ sở đào tạo sẽ tập trung giảng dạy trên các tuyến đường vắng, yêu cầu học viên chạy xe với tốc độ cao để tiết kiệm thời gian, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao; không nâng cao được kỹ năng lái xe của học viên. Do đó, Bộ GTVT xem xét về điều kiện học viên đạt 80% thời gian và tương ứng là 80% số km thực hành, phù hợp theo quy định về tiêu chuẩn học viên đủ điều kiện môn học trong đào tạo nghề sơ cấp.