Đất hiếm giúp Việt Nam gia tăng 'quyền lực đàm phán'

(ĐTTCO) - Nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc đối với các nguyên liệu thô quan trọng, tháng 7-2023, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng (CRM Act) trong ngành công nghiệp bán dẫn (còn gọi là đất hiếm).

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Việt Nam có kế hoạch tăng sản lượng đất hiếm lên 2,02 triệu tấn/năm vào năm 2030.
Việt Nam có kế hoạch tăng sản lượng đất hiếm lên 2,02 triệu tấn/năm vào năm 2030.

Trong đó, vạch ra chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tăng cường gắn kết với các quốc gia giàu tài nguyên, đáng tin cậy. Liệu chính sách tự chủ chiến lược của EU về CRM, có là cơ hội để Việt Nam tham gia với tư cách là đối tác quan trọng.

CRM: Vấn đề “sống còn” của bán dẫn EU

Trong nhiều năm, EU phụ thuộc các nhà cung ứng của Mỹ (thiết kế chip) và Đài Loan, Đông Nam Á (sản xuất chip) về công nghiệp bán dẫn, khi chỉ chiếm 9% thị phần toàn cầu. Nhằm thoát khỏi thế phụ thuộc này, gần đây EU đã có nhiều nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung CRM, thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia và khu vực.

Và hầu hết các FTA gần đây mà EU ký kết với một số đối tác (Chile, Mexico, New Zealand, Anh, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam) đều có hẳn 1 chương hoặc 1 nội dung về CRM. Với các FTA đang đàm phán với một số quốc gia như Indonesia và Australia, EU cũng thảo luận các vấn đề liên quan đến CRM.

Bên cạnh đó, EU cũng tìm kiếm các đối tác khác về CRM và ký những thỏa thuận riêng lẻ. Như tháng 11-2022, EU thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Namibia về chuỗi giá trị CRM bền vững. Trong tháng 6-2023, EU và Mỹ thông qua quy định cho phép và đặt ra phạm vi đàm phán về Thỏa thuận Khoáng sản quan trọng; ký thỏa thuận với Argentina cam kết xây dựng lộ trình trong 6 tháng đạt được các mục tiêu hợp tác.

Tương tự quan hệ đối tác EU-Mỹ, thỏa thuận với Argentina tập trung hợp tác nhằm đạt được tiêu chí ESG (môi trường, xã hội, quản trị), phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, giảm thiểu tác động môi trường và khí hậu của các dự án khai thác, cũng như tích hợp chuỗi cung ứng nguyên liệu thô bền vững.

Tuy nhiên, chiến lược đa dạng hóa nguồn cung CRM của EU hiện cũng đang gặp phải nhiều thách thức. Đó là một số CRM bị hạn chế các nguyên tố đất hiếm mà EU đang cần trong quá trình chuyển đổi số và năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, việc khai thác nguồn cung CRM ở một số nước có thể tạo ra những vấn đề tác động đến môi trường và xã hội, không tương thích với quy định của EU.

Cùng với đó, EU đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh gay gắt với các nước đang có nhu cầu lớn về CRM (Mỹ, Trung Quốc), trong khi các quốc gia có nguồn CRM cũng có chiến lược hạn chế xuất khẩu nhằm phát triển công nghiệp tại chỗ.

Lợi thế cho Việt Nam

Trong chiến lược đa dạng hóa nguồn cung CRM của EU, Việt Nam có thể là đối tác tiềm năng quan trọng vì đang sở hữu nhiều khoáng sản quan trọng, là các thành phần không thể thiếu trong các ngành chiến lược của EU, như đất hiếm Việt Nam có trữ lượng đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Hiện nay cả Mỹ, EU đều thể hiện sự quan tâm đến đất hiếm của Việt Nam.

Đơn cử, đầu tháng 11 vừa qua, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Cao ủy Thương mại Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis, cho biết EU rất mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đất hiếm, để thực hiện chuyển dịch xanh và kinh tế số.

“Châu Âu hiện nay đã xây dựng chiến lược nguyên liệu thô (Raw Material Strategy), trong đó đề ra mục tiêu đa dạng nguồn cung, hợp tác với các quốc gia khác, thúc đẩy không chỉ khai thác mà còn chế biến, chế tạo các tài nguyên này theo hướng nâng cao giá trị cho các quốc gia đó. Vì thế, đây là cơ hội rất tốt cho Việt Nam gia tăng “quyền lực đàm phán” đối với các dự án hợp tác về đất hiếm, theo hướng tìm ra giải pháp có lợi ích nhất cho Việt Nam trong khai thác và chế biến loại nguyên liệu chiến lược này” - ông Valdis Dombrovskis nhấn mạnh.

Thực tế, không chỉ ở khía cạnh về hợp tác nguyên liệu thô quan trọng (đất hiếm), trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn Việt Nam có thể là một đối tác quan trọng của EU, khi Mỹ và một số nước đang có ý định biến Việt Nam thành “trung tâm sản xuất bán dẫn” của khu vực.

Điều này cũng phù hợp với chính sách của EU. Bởi theo chiến lược tăng cường năng lực dẫn dắt của EU trong công nghiệp bán dẫn, liên minh này có thể tập trung vào mảng thiết kế chip, sau đó hợp tác với Việt Nam trong mảng sản xuất.

Thời gian qua, Việt Nam và EU đã có những động thái nhằm mở ra cơ hội hợp tác về lĩnh vực này. Đơn cử, trong chuyến thăm Việt Nam ngày 2-11, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, bày tỏ mong muốn Việt Nam và Hà Lan sẽ khai thác tối đa các tiềm năng hợp tác 2 nước về công nghệ cao, sản xuất vi mạch điện tử, thiết bị bán dẫn, xây dựng nền tảng số và hệ sinh thái viễn thông, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, EU cũng có thể tham gia hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo kỹ sư bán dẫn nhằm thực hiện mục tiêu 50.000 kỹ sư bán dẫn cho ngành bán dẫn Việt Nam (đề án Chính phủ giao cho Bộ KH-ĐT xây dựng kế hoạch thực hiện). Những chuyên gia giỏi của Việt Nam có thể được thu hút vào mảng thiết kế của các dự án thiết kế chip ở EU.

Đáng chú ý, 2 mảng thiết kế (tại EU) và sản xuất (tại Việt Nam) không cạnh tranh với nhau, nên việc hợp tác này hoàn toàn khả thi và đem lại lợi ích thiết thực cho cả 2 bên.

Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng và tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Đất hiếm tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc gồm Lai Châu, Lào Cai hay Yên Bái. Một số mỏ đất hiếm được tìm thấy ở Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng… Hiện nay, mỏ đất hiếm kiểu quặng gốc ở Đông Pao, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có trữ lượng lớn nhất cả nước, có thể khai thác theo quy mô công nghiệp.

Các tin khác