Xin phép xây dựng phát hiện đất ở “lụi”
Do nguồn tài chính còn hạn chế, anh N. lên tận huyện Củ Chi để tìm đất mua đất cất nhà. Sau khi được giới thiệu một dự án phân lô tại xã Tân Phú Trung, thấy giá cả phù hợp với khả năng tài chính, xem qua giấy chứng nhận quyền sử dụng đất UBND huyện vừa cấp năm 2019, ở mục “Mục đích sử dụng” ghi “đất ở nông thôn” sử dụng lâu dài, anh N. hoàn toàn yên tâm tiến hành các thủ tục chuyển nhượng, sang tên, cập nhật biến động trên giấy chứng nhận…
Mọi thủ tục đều hanh thông. Nhưng khi xin giấy phép xây dựng để cất nhà, anh N. mới tá hỏa khi biết hàng chục lô đất anh và nhiều người mua “không phù hợp quy hoạch”, nên chỉ được cấp phép “tạm”. Điều này có nghĩa, nếu anh N. muốn xây nhà chỉ được xây “tạm” ở quy mô nhỏ và phải cam kết tự tháo dỡ, không được bồi thường khi Nhà nước thực hiện quy hoạch.
Bi kịch hơn anh N., khu đất anh B. mua vừa được UBND huyện cấp năm 2019, cũng được ghi mục đích sử dụng là “đất ở nông thôn, sử dụng lâu dài”. Nhưng khi xin phép xây dựng, cơ quan cấp phép từ chối với lý do… chờ kết luận của các cơ quan chức năng.
Anh B. nói như mếu, lâu nay thấy nhiều người mua đất bằng giấy tay không biết rõ quy hoạch rất khó khăn khi xây nhà, còn xây được lại nơm nớp lo sợ vì nhà mình không biết bị đập lúc nào. Vì thế, anh đã tìm những lô đất có giấy tờ đàng hoàng mua, nhưng rồi cũng không thoát được tình trạng trên...
Đó là 2 trong hàng trăm trường hợp dở khóc dở cười trên địa bàn TPHCM, đặc biệt tại 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn. LS. Nguyễn Tấn Hải (Đoàn Luật sư TPHCM), cho rằng những trường hợp nói trên khá hy hữu. Bởi, hầu hết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp trong những năm gần đây, có nghĩa thông tin quy hoạch được rà soát, cập nhật để cấp giấy là những thông tin mới nhất.
Thông thường, điều người chuyển nhượng nhà đất quan tâm nhất là thông tin quy hoạch ghi trên giấy và năm cấp của giấy chứng nhận. Những giấy được cấp quá lâu thông tin quy hoạch có thể thay đổi nhưng chưa được cập nhật, cần trực tiếp (hoặc gửi đơn) đến Văn phòng UBND quận, huyện hỏi. Cơ quan chức năng sẽ trả lời trực tiếp (hoặc bằng văn bản) về thông tin quy hoạch của khu đất đó.
“Với những trường hợp nói trên ít ai có thể nghi ngờ vì giấy chứng nhận mới được cấp, thông tin quy hoạch rõ ràng. Người dân mua đất hợp pháp nhưng không được xây, nhà lỗi không phải của họ và họ có thể kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình” - LS. Hải phân tích.
Sẽ giải quyết có tình có lý
Những hậu quả người dân đang chịu thiệt thòi nói trên, theo tìm hiểu của ĐTTC, nguyên nhân không phải xuất phát từ dân, mà từ… cán bộ.
Tại buổi làm việc mới đây với đoàn của UBND TPHCM do Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi dẫn đầu, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết trong giai đoạn 2016-2019 trên địa bàn huyện có hơn 150 trường hợp chuyển mục đích qua đất ở không phù hợp với quy hoạch, hơn 60 trường hợp tách thửa hồ sơ chưa đảm bảo… nên nhiều trường hợp phải rà soát, tạm ngưng cấp phép xây dựng.
Theo kết luận của cơ quan chức năng, công tác quản lý đất đai giai đoạn 2016-2019 trên địa bàn huyện Củ Chi có nhiều sai phạm. Cụ thể, các quyết định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đều được phê duyệt vào tháng 5 hàng năm. Trong khi đó, quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của điều chỉnh quy hoạch huyện Củ Chi thực hiện vào tháng 7-2019, thậm chí kế hoạch năm 2016 được phê duyệt vào tháng 8.
Thanh tra TPHCM khẳng định việc làm trên của UBND huyện Củ Chi không đảm bảo thời hạn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện quy định tại Khoản 2, Điều 9, Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Đáng nói, trong 3 năm 2016, 2017 và 2018, dù không khảo sát nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân theo quy hoạch sử dụng đất được duyệt quy định tại Khoản 2, Điều 67, Thông tư 29/2014 của Bộ Tài nguyên - Môi trường, nhưng UBND huyện Củ Chi vẫn lập kế hoạch sử dụng đất các năm trên.
Nghiêm trọng hơn, UBND huyện Củ Chi đã tự ý điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở từ xã này sang xã khác, nhưng không thông qua HĐND huyện trước khi trình UBND TPHCM phê duyệt. Hành vi này vi phạm (Khoản 4, Điều 46), (Khoản 2, Điều 12) Luật Đất đai năm 2013. Đây là hành vi bị nghiêm cấm do vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.
Tại buổi làm việc mới đây với Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền, cho biết những sai phạm trên kéo dài, xử lý khó khăn, đã ảnh hưởng nhiều đến tình hình chung của huyện cũng như quyền lợi của người dân. Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết sẽ không hợp thức hóa cho cái sai, nhưng sẽ có tình có lý vì người dân không sai.
Theo đó, sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể, trước mắt trong tháng 9 tập trung giải quyết những trường hợp “dễ” trước, sau đó xem xét các trường hợp còn lại, cái nào sai quá rõ sẽ kiên quyết xử lý. Với huyện Hóc Môn, nơi cũng có hàng trăm hồ sơ tách thửa chưa đảm bảo thủ tục, quan điểm giải quyết những sai phạm này tương tự huyện Củ Chi.
Tự ý điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở, vi phạm việc tách thửa đất khi cho phép tách thửa đất ở không phù hợp quy hoạch được duyệt, không đúng quy định... của UBND huyện Củ Chi đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Kết luận của Thanh tra TPHCM về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Củ Chi (giai đoạn 2016-2019) |