Các chỉ số trong nước liên tục tạo lập đáy mới trong tháng 11. Liệu triển vọng thị trường trong thời gian tới có giúp NĐT lạc quan?
Nhật thực một phần là dấu hiệu đảo chiều
Trong lịch sử 11 năm của chỉ số VN Index có 7/11 tháng 12 (xác suất 64%) thị trường tăng điểm. Đây là tháng có xác suất tăng điểm cao thứ hai sau tháng 4 (73%).
Đối với chỉ số HNX Index, có 5/6 tháng 12 (xác suất 83%) tăng điểm. Tuy nhiên, 11 năm của TTCK Việt Nam chưa đủ dữ liệu để khẳng định một quy luật nhưng nó vẫn có giá trị tham khảo nhất định.
H1- Biểu đồ tử vi ngày giao dịch đầu tiên của chỉ số HNX Index |
Trên góc độ chiêm tinh tài chính, chúng ta nhận thấy một số hiện tượng chiêm tinh xuất hiện cần được chú ý. Vào ngày 25-11-2011, hiện tượng nhật thực một phần (solar parital) sẽ xảy ra.
Hôm nay ngày 24-11-2011, Thủy tinh (Mercury) sẽ chuyển động nghịch hành (Retrograde) và Kim tinh (Venus) sẽ gia nhập cung (ingress) vào cung Ma Kết (Capricorn) vào ngày 26-11-2011.
Theo Patrick Mikula (1995), khi xuất hiện các hiện tượng chiêm tinh như sự gia nhập cung, chuyển động nghịch hành, sự hợp góc trong thời gian xảy ra hiện tượng nhật thực là dấu hiệu quan trọng cho thấy khả năng hiện tượng nhật thực một phần sẽ gây nên sự đảo chiều của giá CK trên TTCK.
Do đó, chúng ta không nên bỏ qua sự quan sát cho những hiện tượng trên trong mối quan hệ với TTCK Việt Nam.
Nếu quan sát biên độ 2 ngày quanh thời gian xảy ra hiện tượng nhật thực một phần, chúng ta cũng có những hiện tượng chiêm tinh quan trọng khác.
Vào ngày 23-11-2011, Mặt trời (Sun) hợp góc 240o (góc Trine) với Thiên Vương tinh (Uranus) (vào tháng 11-2010, cặp góc này đã tạo nên đợt sóng tăng đối với cả hai chỉ số VN Index và HNX Index).
Hỏa tinh (Mars) cũng hợp góc 240o với Diêm Vương tinh vào ngày 23-11-2011. Kim tinh hợp góc 90o (square) với Thiên Vương tinh vào ngày 27-11-2011.
Năm 2011, hiện tượng chiêm tinh nhật thực một phần có mối tương quan mạnh với những biến đổi quan trọng trong nền kinh tế-xã hội và TTCK trong nước cũng như quốc tế. Chính điều đó khiến cho hiện tượng nhật thực một phần trong thời gian tới càng được chú ý.
Cần nhớ rằng, các chỉ số trong nước đã đảo chiều vào ngày 26-5-2011, quanh thời điểm xuất hiện hiện tượng nhật thực một phần ngày 2-6-2011.
H2- Biểu đồ tử vi ngày giao dịch đầu tiên của chỉ số VN Index. |
Theo quan sát của người viết, hiện tượng nhật thực một phần xảy ra vào ngày 25-11-2011 có liên quan với hiện tượng nhật thực một phần xảy ra vào ngày 19-3-2007, vốn tạo nên đỉnh dài hạn cho TTCK Việt Nam.
Thứ nhất, vị trí mặt trời trong hiện tượng nhật thực một phần vào ngày 19-3-2011 hợp góc 240o so với vị trí mặt trời ở hiện tượng nhật thực một phần xảy ra vào ngày 25-11-2011. Điểm liên quan thứ hai là hiện tượng gia nhập cung của Kim tinh.
Cụ thể, Kim tinh gia nhập cung Kim Ngưu (Taurus) vào ngày 18-3-2007. Trong thời gian tới, Kim tinh cũng sẽ gia nhập cung Ma Kết vào ngày 26-11-2011.
Do vậy, hiện tượng nhật thực một phần ngày 25-11-2011 cũng sẽ gây nên sự đảo chiều trong giá CK. Hơn nữa, hiện tượng nhật thực xảy ra vào ngày 25-11-2011 khi mặt trời đang ở cung Nhân Mã (Sagittarius), là cung gắn với sự hy vọng và tăng trưởng. Điều này tạo nên sự tích cực đối với TTCK.
Trên biểu đồ tử vi của HNX Index, hiện tượng nhật thực một phần ngày 25-11-2011 tạo góc 90o với Natal ascendant (As) và hợp góc 180o với Natal Midheaven (Mc).
Đồng thời, Jupiter hợp góc 240o với Natal ascendant. Đây là những kết hợp tăng giá. Trong khi đó, biểu đồ tử vi của VN Index không “đẹp” bằng HNX Index.
Chúng tôi không nhìn thấy một góc tăng giá mạnh nào đối với VN Index. Do đó, kỳ vọng chỉ số HNX Index sẽ đảo chiều tăng mạnh hơn so với VN Index.
Nói tóm lại, TTCK có khả năng đảo chiều quanh thời điểm xảy ra hiện tượng nhật thực một phần vào ngày 25-11-2011. Biên độ dao động ±3 ngày giao dịch quanh ngày xảy ra hiện tượng nhật thực một phần được sử dụng.
Tuy nhiên, đây không phải là sự đảo chiều dài hạn. Diễn biến của TTCK vẫn đang chịu tác động giảm điểm trong dài hạn khi bức tranh kinh tế trong và ngoài nước đang rất xấu.
Những diễn biến của cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu, khả năng hạ cánh cứng của Trung Quốc và nguy cơ khủng hoảng nợ công lẫn khả năng giảm phát ở Hoa Kỳ đang tạo ra nguy cơ khủng hoảng kéo dài.
Ở trong nước, lãi suất tăng cao, bất ổn ngoại tệ, hệ thống ngân hàng, CK, bất động sản đang tạo nên tâm lý không mấy lạc quan cho NĐT tham gia thị trường.
Tuy nhiên, trong chiêm tinh tài chính, chuyển động nghịch hành của Thủy tinh được ví như kẻ lừa đảo. Theo đó, các mức kháng cự tưởng chừng như được phá vỡ nhưng sau đó lại bị đảo ngược.
Thời gian chuyển động nghịch hành của Thủy tinh kéo dài khoảng 3 tuần. Nói cách khác, nếu như thị trường có đảo chiều đi lên trong thời gian tới, hãy thận trọng với sự chuyển động nghịch hành của Thủy tinh.
Cơ hội đầu cơ ngắn
Phân tích kỹ thuật không phải là công cụ dự báo, nhưng phương pháp này đang chỉ ra những tín hiệu cảnh báo. Đối với chỉ số HNX Index (H3), mặc dù đang tạo các đáy mới nhưng chỉ số RSI (và các chỉ báo dao động khác) không tạo đáy mới. Điều này “cảnh báo” khả năng hình thành tín hiệu phân kỳ dương.
H3-Biểu đồ kỹ thuật chỉ số HNX Index (daily). |
Đối với chỉ số VN Index (H4), mẫu hình nến đảo chiều Island Gap xuất hiện là một tín hiệu tích cực. Quan sát chỉ báo GMMA của hai chỉ số cho thấy, các NĐT dài hạn vẫn đứng ngoài thị trường, thể hiện bởi sự tách biệt rõ ràng giữa các đường trung bình di động dài hạn (màu đỏ).
Đối với chỉ số HNX Index, khoảng cách giữa nhóm đường trung bình di động dài hạn (màu đỏ) và nhóm đường trung bình di động ngắn hạn (màu xanh) từ đầu tháng 11 trở nên lớn hơn so với thời gian trước.
Điều này có thể kích thích các NĐT ngắn hạn tìm kiếm cơ hội trên thị trường. Tương tự, đối với chỉ số VN Index, nhóm đường trung bình di động ngắn hạn đang co nén lại cho thấy nhóm NĐT ngắn hạn đã đạt được sự đồng thuận ở mức giá hiện tại.
Nói cách khác, chính các nhà đầu cơ ngắn hạn là “tác giả” của con sóng này. Diễn biến này trùng khớp với những hàm ý từ chuyển động nghịch hành của Thủy tinh.
H4- Biểu đồ kỹ thuật chỉ số VN Index (daily). |