Đầu tư 3.900 tỷ đồng xóa điểm nghẽn đường thủy phía Nam

(ĐTTCO)-Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam khi được đầu tư và hoàn thành sẽ góp phần tăng năng lực lưu thông vận tải thủy, kết nối với các cụm cảng sâu trong nội địa.

Phương tiện tàu chở hàng trên luồng tuyến đường thủy nội địa Việt Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Phương tiện tàu chở hàng trên luồng tuyến đường thủy nội địa Việt Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có quyết định phê duyệt Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.

Theo đó, dự án nhằm cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giảm tắc nghẽn, tai nạn, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thông qua việc cải tạo, nâng cấp hành lang vận tải Đông-Tây kết nối khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và cải tạo hành lang vận tải Bắc-Nam kết nối khu vực Đông Nam Bộ với cụm Cảng Cái Mép-Thị Vải.

Cụ thể, dự án sẽ tiến hành nạo vét, cải tạo tuyến luồng đường thủy nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn trên hành lang Đông-Tây qua Sông Hậu (thành phố Cần Thơ), Sông Trà Ôn, Sông Mang Thít, Sông Cổ Chiên, kênh Chợ Lách, Sông Tiền, rạch Kỳ Hôn, kênh Chợ Gạo, rạch Lá, Sông Vàm Cỏ, kênh Nước Mặn, Sông Cần Giuộc, Sông Soài Rạp (Thành phố Hồ Chí Minh).

Ngoài ra, dự án giải quyết điểm nghẽn trên hành lang Bắc-Nam qua các Sông Đồng Nai (Cảng Đồng Nai), Sông Nhà Bè, Sông Lòng Tàu, Sông Đồng Tranh, Sông Tắc Cua, Sông Gò Gia, Sông Thị Vải (cụm Cảng Cái Mép Thị Vải).

Sau khi dự án hoàn thành, các hàng lang vận tải Đông-Tây và Bắc-Nam tại khu vực phía Nam sẽ đảm bảo năng lực lưu thông cho các loại tàu cỡ lớn, tàu container vận chuyển hàng hóa.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 3.900 tỷ đồng, tương đương 163,34 triệu USD. Trong đó, vốn vay WB 106,96 triệu USD, tương đương hơn 2.550 tỷ đồng; vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia 0,58 triệu USD, tương đương gần 13,9 tỷ đồng; vốn đối ứng dự kiến hơn 1.330 tỷ đồng, tương đương 55,79 triệu USD.

Thời gian thực hiện 5 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực (dự kiến từ năm 2023 đến năm 2027).

Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Ban Quản lý các dự án đường thủy (chủ đầu tư dự án) có trách nhiệm tiếp thu ý kiến thẩm định và ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan để chỉ đạo tư vấn tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ cự án theo đúng quy định; khẩn trương phối hợp với nhà tài trợ và các cơ quan liên quan để chuẩn bị, triển khai thủ tục đàm phán, ký kết hiệp định vay vốn cho dự án làm cơ sở thực hiện đầu tư; phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.

Các tin khác