Không có một giải pháp duy nhất
Năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh, đây là những thành tựu nổi bật tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế. Năm 2024, đầu tư công tiếp tục đóng vai trò quan trọng khi các động lực tăng trưởng vẫn còn yếu, tổng cầu thấp. Đặc biệt đầu tư toàn xã hội thấp, trong đó đầu tư tư nhân chững lại và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Do vậy, đẩy mạnh giải ngân và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công, tiếp tục là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bởi đầu tư công còn là vốn mồi, một kênh có tác động lan tỏa tốt, giúp thúc đẩy đầu tư toàn xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Khi hiệu suất sử dụng vốn đầu tư công tăng 1 điểm phần trăm, sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,1-0,12 điểm phần trăm.
Việt Nam là một nước đang phát triển, việc bố trí vốn đã khó, thì phải làm sao sử dụng hiệu quả, giải ngân hết vốn đã được phân bổ. Chậm giải ngân, giải ngân không hết vốn làm tăng chi phí cơ hội, giảm hiệu quả đồng vốn. Nhìn lại những gì đã làm và kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Trần Quốc Phương, cho rằng: “Không có một giải pháp duy nhất để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, mà cần một tổng hợp các giải pháp toàn diện trên tất cả các lĩnh vực”.
Với vai trò quan trọng của đầu tư công, ngày 22-3-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 24/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược. Nhiệm vụ của năm 2024 là giải ngân hơn 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Có khởi sắc nhưng vẫn chậm tiến độ
Vậy nhưng, theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến ngày 30-4-2024, vốn đầu tư công đã giải ngân được 17,46% kế hoạch, cao hơn 1,81% cùng kỳ năm 2023. Như vậy một lượng vốn lớn hơn 115.000 tỷ đồng đã đẩy ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng. Dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên tất cả các lĩnh vực đều đang có sự khởi sắc, nhưng nhiều địa phương vẫn rất chậm.
Tại nhiều tỉnh đã xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hàng đầu, yêu cầu triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy thực hiện dự án để giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều tỉnh đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công các dự án mới, và để các dự án đang triển khai sớm hoàn thành.
Tuy nhiên hết quý I, vẫn còn 7 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân được đồng nào, có 25 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 15%. Chỉ có 7 bộ, cơ quan trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
Nhiều dự án trọng điểm ở địa phương chậm tiến độ. Ngay như ở Nghệ An, một tỉnh đã giải ngân được 21% vốn đầu tư công, nhưng vẫn có nhiều dự án chậm tiến độ, vẫn còn 13 cơ quan, đơn vị chưa giải ngân. Thông tin từ những nơi thực hiện chậm cho biết, nguyên nhân do vướng mắc về mặt bằng; thiếu vốn đối ứng từ nguồn tiền sử dụng đất năm 2024; vốn kéo dài từ năm 2023 sang 2024 vẫn chưa được phê duyệt, hay dự án chưa được phê duyệt.
Theo Bộ Tài chính, do vẫn còn nhiều vướng mắc khiến tiến độ giải ngân chưa đạt như kỳ vọng. Trong đó, một số vướng mắc đã tồn tại trong thời gian dài, đến nay vẫn là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân liên quan đến cơ chế chính sách, công tác giải phóng mặt bằng, biến động giá nguyên vật liệu...
Không được ôm tiền mà làm chậm
Để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công và giải ngân đầu tư công được như kế hoạch, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chốt lại 4 vấn đề quan trọng. Thứ nhất hoàn thiện thể chế. Thứ hai công tác chỉ đạo điều hành. Thứ ba sự quyết liệt ở các đơn vị tổ chức, các bộ ngành địa phương. Thứ tư sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, trung ương địa phương trong việc xử lý các tình huống.
“Trong quá trình thực hiện các dự có vô vàn các tình huống phát sinh như điều chỉnh dự án, hay các giải pháp, cơ chế chính sách thay đổi... Như thế một cơ quan không làm được mà phải có sự phối hợp nhịp nhàng. Và điều quan trọng nhất là phải nhanh để đầu tư công không bị ngắt quãng” - Thứ trưởng Phương nói.
Trong quá trình dự án triển khai không tránh khỏi những tình huống phát sinh. Đơn cử như ngay từ khâu giải phóng mặt bằng, có thể có va chạm trong các bước thủ tục đền bù cho người dân, chỉ cần vướng bởi một vài hộ gia đình là có thể ảnh hưởng đến tiến độ của cả một dự án.
Do vậy các tình huống phát sinh cần được giải quyết nhanh, chậm là dự án bị đình trệ, ngắt quãng, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Để làm được như thế, người có trách nhiệm và người đứng đầu phải hết sức linh hoạt với tinh thần vì nhiệm vụ chung. Nếu cứ lo cho an toàn cá nhân, sợ trách nhiệm không dám làm, không dám quyết thì trì trệ lại xảy ra.
Khi nói về đầu tư công của năm 2024, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã hé lộ một lo lắng: cuối năm có thể thiếu vốn. Nếu các bộ ngành giải ngân tốt, giải ngân nhanh, chưa hết năm đã giải ngân hết dự toán, rất có khả năng đến cuối năm hết tiền, không còn hạn mức của năm để chúng ta giải ngân tiếp.
Hiện Bộ Kế hoạch-Đầu tư đã có báo cáo với Thủ tướng về khả năng năm 2024 và 2025 về lượng vốn thực tế có thể giải ngân được, so với tổng hạn mức của kế hoạch đầu tư công trung hạn, dự tính thiếu khoảng hơn 100.000 tỷ đồng. Vì vậy cần điều chỉnh hài hòa kế hoạch đầu tư công, điều chỉnh vốn nơi thừa sang nơi thiếu, không để ôm tiền mà làm chậm, không giải ngân.
Với mục tiêu năm 2024 giải ngân được hơn 95% vốn đầu tư công, đây là nhiệm vụ không dễ gì. Để hoàn thành nhiệm vụ này, trên các công trình cần làm việc khẩn trương với tinh thần “3 ca 4 kíp”, và “vượt nắng thắng mưa”, để thi công nhanh nhất, tốt nhất.