Ngày 10-9, tại Ninh Bình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo phổ biến kinh nghiệm về quản lý đầu tư công của Hoa Kỳ và lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ về kế hoạch đầu tư trung hạn.
Các đại biểu tập trung nghiên cứu tám chủ đề chính, gồm phân cấp quản lý đầu tư công, kinh nghiệm của Hoa Kỳ; xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn; xây dựng khuôn khổ chi tiêu trung hạn; phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước và đầu tư công tại các quốc gia phát triển; lập kế hoạch đầu tư và lập ngân sách ở các cấp chính quyền địa phương; lựa chọn dự án đầu tư; hợp tác công tư; khảo sát thực tế về khu tam giác nghiên cứu (RTP) tại bang Bắc Carolina (Hoa Kỳ).
Theo chuyên gia Jean Christopher Charlier, kinh nghiệm của các quốc gia phát triển nói chung, Hoa Kỳ nói riêng cho thấy, có ba yếu tố của phân cấp đầu tư công về chính trị, quản trị hành chính và tài chính. Như vậy, vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ ủy quyền và phân quyền để phát triển kinh tế xã hội; tạo môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân nhằm kích thích tăng trưởng; cung cấp các dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu cho mọi tổ chức, cá nhân, qua đó làm tăng tính minh bạch, gắn với trách nhiệm giải trình cao hơn.
Chuyên gia Jean Christopher Charlier nhấn mạnh đến việc Việt Nam đang xây dựng một cơ cấu kế hoạch đầu tư trung hạn và ngay từ lúc này, cần phải nghĩ về một chiến lược chuyển tiếp sang kế hoạch chi tiêu trung hạn.
Về quan hệ đối tác công tư (PPP), ông Trần Thành Long - Trưởng phòng Tổng hợp (Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra con số thống kê, trong gần 20 năm (từ 1990 đến 2009), có hơn 1.300 hợp đồng PPP (mỗi hợp đồng có giá trị lớn hơn 5 triệu euro) được ký kết ở Liên minh châu Âu.
Giải đáp câu hỏi tại sao sử dụng PPP, ông Long cho biết, tác dụng tích cực của hình thức này là mở rộng việc cung cấp dịch vụ công, tăng cường nguồn lực đầu tư trong khi ngân sách của Chính phủ còn hạn chế, giữ mức nợ của Chính phủ trong giới hạn an toàn, không làm tăng thâm hụt ngân sách. Để tiến hành PPP, nhà nước phải bỏ ra chi phí (các khoản hỗ trợ, kích thích đối tác tư nhân, mất nguồn thu phí trong trường hợp đối tác tư nhân được thu phí).
Xét trong ngắn hạn, Nhà nước không phải chi ngân sách nhưng vẫn có nguồn vốn để đầu tư. Tuy nhiên, về dài hạn, tổng chi phí giữa việc Nhà nước tự đầu tư so với việc thực hiện PPP có thể là tương đương, trừ trường hợp đối tác tư nhân xây dựng, thực hiện dự án, cung cấp dịch vụ có hiệu quả hơn so với Nhà nước.
Nhân dịp này, dự thảo Nghị định của Chính phủ về kế hoạch đầu tư trung hạn cũng được Ban Tổ chức hội thảo đưa ra thảo luận theo nhóm. Đa phần các đại biểu nhất trí với nội dung dự thảo có nhiều ưu điểm, đi sâu vào quy trình, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn, nhưng cũng bộc lộ nhược điểm là chưa làm rõ mục đích của tái cơ cấu đầu tư Nhà nước và đầu tư nói chung nhằm nâng cao hiệu quả của đầu tư, không đưa ra tiêu chí lựa chọn việc phân quyền đó được thực thi như thế nào và nhất là việc kiểm tra giám sát.
Dự thảo cần quy định linh hoạt hơn về mặt thời gian, các thuật ngữ phải được giải thích rõ ràng, dễ hiểu, có phân chia quyền và trách nhiệm nhưng cần quản lý thống nhất ở tầm quốc gia.