Đầu tư hạ tầng giao thông sân bay Long Thành: Động lực kết nối khu vực

(ĐTTCO)-Các dự án giao thông kết nối với sân bay Long Thành cần được ưu tiên triển khai và hoàn thành đúng tiến độ, mở ra không gian phát triển mới tạo động lực kết nối khu vực Đông Nam Bộ với các vùng.

Phương án thiết kế kiến trúc sân bay Long Thành. (Ảnh: ACV)
Phương án thiết kế kiến trúc sân bay Long Thành. (Ảnh: ACV)

Hiện nay, các quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Đông Nam Bộ cơ bản phù hợp, đảm bảo kết nối giao thông khu vực. Tuy nhiên, các dự án trong quy hoạch vùng này đang đầu tư rất chậm, chưa tạo ra động lực đột phá để đóng góp vai trò phát triển kinh tế của vùng cũng như cả nước.

Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần chuẩn bị nguồn lực, sẵn sàng mời gọi đầu tư mới tạo cơ hội cho giao thông vùng Đông Nam Bộ phát triển.

Những dự án quy mô lớn

Ngoài "siêu" dự án sân bay Long Thành, tới đây, tại Đồng Nai sẽ có hàng loạt dự án đường cao tốc kết nối giữa Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh cũng như kết nối liên vùng được xây dựng.

Điển hình như cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, Biên Hòa-Vũng Tàu, Dầu Giây-Liên Khương, mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây từ 4 làn xe như hiện tại lên 10-12 làn xe và các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4.

Trong phát triển giao thông, Đồng Nai cũng có nhiều tuyến đường kết nối trực tiếp với Thành phố Hồ Chí Minh như cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh- Long Thành-Dầu Giây, cao tốc Bến Lức-Long Thành, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, Xa lộ Hà Nội.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết tỉnh từng kiến nghị kéo dài tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) đến thành phố Biên Hòa và đã được Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận, đến nay, Đồng Nai vẫn giữ nguyên quan điểm này.

Trước đó, tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án cầu Cát Lái nhằm thay thế phà Cát Lái. Đây là cầu vượt sông Đồng Nai, nối huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với thành phố Thủ Đức-Thành phố Hồ Chí Minh, giúp kết nối giữa Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh cũng như toàn khu vực Đông Nam Bộ.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó tuyến đường sắt Thủ Thiêm-Long Thành thực hiện trong giai đoạn đến năm 2030.

Trong kế hoạch triển khai Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030 do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình ký giữa năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh xác định sẽ đầu tư hoàn chỉnh các tuyến cao tốc, quốc lộ kết nối thành phố với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo quy hoạch được phê duyệt.

Riêng giai đoạn 2021-2025, dự kiến sẽ xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái; tuyến trên cao đi dọc theo ĐT 25C, vượt sông Đồng Nai, đi theo đường trục Bắc Nam; đường sắt nhẹ Thủ Thiêm-sân bay Long Thành.

Ngoài ra, các dự án tại thành phố Thủ Đức như nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy cũng góp phần thúc đẩy kết nối giao thông với tỉnh Đồng Nai thuận lợi hơn.

Hiện Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp Sở Quy hoạch Kiến trúc và các đơn vị liên quan nghiên cứu tham mưu, đề xuất bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành đối với các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là những dự án có tính chất kết nối giữa các khu vực của Thành phố Hồ Chí Minh và kết nối liên vùng giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dù nhiều dự án đã được quy hoạch nhằm kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tại khu vực Đông Nam bộ, nhưng phần lớn chậm triển khai trong thực tế. Thậm chí, nhiều công trình đã được khởi công khá lâu, nhưng chậm tiến độ khiến áp lực giao thông trong khu vực ngày càng lớn.

Ngoài các dự án trên, khu vực Đông Nam bộ được quy hoạch Vành đai 3 và Vành đai 4, nhưng việc triển khai còn hạn chế. Ngoài một vài đoạn ngắn được địa phương triển khai trước đó, các dự án thành phần của Vành đai 3 và Vành đai 4 đến nay hầu như vẫn "đứng hình."

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân  tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, thời gian qua, việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cho vùng Đông Nam bộ gặp "điểm nghẽn" lớn là nguồn vốn đầu tư còn hạn chế.

Do đó, việc đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông, nhất là các công trình, dự án trọng điểm là điều cấp thiết. Đồng Nai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tập trung ưu tiên nguồn vốn để triển khai các tuyến cao tốc kết nối khi dự án sân bay Long Thành đi vào vận hành.

Dồn lực ưu tiên dự án kết nối

Nhiều chuyên gia nhận định, so sánh với quy hoạch giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có thể nói tiến độ đầu tư các dự án đều chậm; chưa đáp ứng nhu cầu vận tải và đang là trở lực đối với sự phát triển của thành phố về mọi mặt.

Dau tu ha tang giao thong don dau san bay Long Thanh: Dong luc ket noi hinh anh 2
Phương án quy hoạch vùng phụ cận sân bay Long Thành. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Tiến độ đầu tư các tuyến đường vành đai, quốc lộ, cao tốc và hướng tâm đều chậm, dẫn đến nhiều tuyến đường nội thành phải đảm nhận cả vận tải nội vùng và liên vùng.

Ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai, cho rằng điểm nghẽn lớn của ngành logistics hiện nay chính là kết nối giữa các hệ thống hạ tầng giao thông với nhau còn rất nhiều hạn chế, thiếu tính đồng bộ. Do đó, việc đầu tư tuyến giao thông mới để kết nối giữa cảng biển và cảng hàng không là điều rất cần thiết, đặc biệt ở vùng phát triển công nghiệp Nhơn Trạch đã bị quá tải giao thông đường bộ nhiều năm qua.

Tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1528/QĐ-TTg về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Trong số đó, yêu cầu đánh giá vai trò, vị thế, sức thu hút và lan tỏa của Thành phố Hồ Chí Minh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Quyết định nêu rõ cần phân tích mối quan hệ không gian giữa Thành phố  Hồ Chí Minh với thành phố Thủ Đức, với các đô thị thuộc vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sân bay Long Thành và hệ thống cảng biển trong vùng và đảm bảo sự phù hợp với các quy hoạch ngành quốc gia.

Trên cơ sở đó, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận cũng như kết nối giữa các khu vực khác nhau của Thành phố Hồ Chí Minh một cách chiến lược, trọng điểm và phát huy hiệu quả.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia về quy hoạch đô thị) cho rằng, hiện hệ thống đường cao tốc, trục đường liên kết vùng ở Đông Nam Bộ còn hạn chế và đang triển khai rất chậm. Điều này phần nào đã kìm hãm sự phát triển kinh tế của cả khu vực. Nhà nước cần sớm triển khai đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối trong khu vực Đông Nam Bộ.

Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Nhà nước cần tính toán thứ tự ưu tiên để ngay sau khi đưa vào khai thác, dự án đó mang lại hiệu quả ngay lập tức. Tránh tình trạng sân bay Long Thành đã hình thành, song các tuyến cao tốc chưa được mở rộng, triển khai xây dựng thì sẽ không mang lại hiệu quả.

Song song đó, cần sớm khép kín các tuyến đường vành đai Thành phố Hồ Chí Minh, bởi chỉ khi nào các tuyến đường vành đai được khép kín, giao thông, kinh tế mới thực sự thông suốt, liền mạch, tạo đà phát triển cho cả khu vực.

Ông Nguyễn Bôn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai, cho rằng các dự án giao thông kết nối với sân bay Long Thành được đề xuất dựa trên nhu cầu hình thành các trục giao thông động lực phát triển cho các địa phương. Đối với các tuyến đường mở mới, mục tiêu ưu tiên là kết nối các địa phương lân cận với sân bay Long Thành cũng như các khu công nghiệp sẽ được xây dựng mới trong thời gian tới.

Với "động lực" là sân bay Long Thành đang được triển khai, khu vực Đông Nam Bộ nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng được kỳ vọng sẽ có sức bật để phát triển trong tương lai gần.

Tuy nhiên, trước khai sân bay Long Thành đi vào khai thác theo kế hoạch năm 2025, các dự án hạ tầng giao thông kết nối trong quy hoạch, nhất là mở rộng cao tốc, xây dựng các tuyến đường vành đai cần được ưu tiên triển khai và hoàn thành đúng tiến độ; từ đó mở ra không gian phát triển mới tạo động lực và thúc đẩy kinh tế cạnh tranh mới trong khu vực Đông Nam Bộ với các vùng.

Các tin khác