Đầu tư ngoài ngành để tồn tại

Tuy nhiên khi thị trường BĐS đóng băng, công ty đã tìm đường quay về chính ngành nghề ban đầu là xây dựng cầu đường. Ông Nguyễn Đức Tấn, Chủ tịch HĐQT Thái Bình Dương, cho biết hiện công ty đang tập trung tìm kiếm khách hàng trong lĩnh vực xây dựng cầu đường và mới đây đã trúng thầu một dự án cầu đường tại Long An.

CTCP Thái Bình Dương vốn là doanh nghiệp chuyên xây dựng cầu đường, hạ tầng. Khi thị trường BĐS nóng lên, doanh nghiệp này đã nhanh chóng tham gia thị trường, đầu tư hàng loạt dự án tại TPHCM và các tỉnh lân cận, đã nhanh chóng khẳng định thương hiệu trong lĩnh vực BĐS.

Tuy nhiên khi thị trường BĐS đóng băng, công ty đã tìm đường quay về chính ngành nghề ban đầu là xây dựng cầu đường. Ông Nguyễn Đức Tấn, Chủ tịch HĐQT Thái Bình Dương, cho biết hiện công ty đang tập trung tìm kiếm khách hàng trong lĩnh vực xây dựng cầu đường và mới đây đã trúng thầu một dự án cầu đường tại Long An.

Tương tự, CTCP Tôn Hoa Sen lâu nay với thế mạnh là sản xuất tôn lợp, khi BĐS “ngon ăn” cũng nhanh chóng nhảy vào lĩnh vực này và thực hiện một số dự án chung cư. Tuy nhiên chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, doanh nghiệp này đã tìm cách rút lui khỏi lĩnh vực này.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tôn Hoa Sen, cho biết: “Sau thời gian đầu tư vào BĐS, nay chúng tôi quyết định trở lại thế mạnh của mình, không đầu tư tràn lan nữa”.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp BĐS lại đang tìm cách đầu tư ngoài ngành để duy trì và phát triển. Đi đầu trong việc chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực khác phải kể đến là HAGL. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL, cho biết BĐS Việt Nam trong một thời gian phát triển quá nóng và bộc lộ những bất hợp lý về giá, do đó công ty đã nhanh chóng chuyển sang một số lĩnh vực khá mới mẻ như nông nghiệp, cao su… và đã gặt hái khá nhiều thành công.

CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) cũng phát triển thêm 2 hoạt động mũi nhọn nhằm bổ trợ cho BĐS, gồm kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản, các sản phẩm phục vụ nông nghiệp và thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp.

Điều này khá bất ngờ bởi từ trước tới nay, công ty này chưa bao giờ bước chân ra khỏi BĐS, lĩnh vực gắn liền với sự thăng trầm của TDH từ doanh nghiệp nhà nước rồi sang cổ phần. Mọi thứ xuất phát từ khó khăn của BĐS buộc TDH phải rút gọn bộ máy, tìm kiếm lĩnh vực mới để giải quyết bài toán tồn tại.

Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Phó Tổng giám đốc TDH, cho biết khởi đầu từ chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, TDH nhận thấy đầu tư vào nông nghiệp có lời, đồng tiền quay vòng nhanh nên bắt tay thực hiện. Cuối tháng 10 năm ngoái, CTCP Thuduc House Wood Trading ra đời với vốn điều lệ 120 tỷ đồng, trong đó TDH chiếm tỷ lệ 50%, ngành nghề chính bán buôn gỗ cây, gỗ chế biến; bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu, gạo, thực phẩm; khai thác gỗ.

Qua 3 tháng hoạt động, doanh thu xuất khẩu trên 100 tỷ đồng, chủ yếu là sắn lát và trái cây vào các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ. Hiện nay công ty có vùng nguyên liệu 300ha ở Bình Thuận để trồng bắp, trong đó trên 100ha đã trồng khoảng 1,5 tháng. Tất cả việc trồng, thu hoạch đều sử dụng máy móc. Tiếp đó, công ty cũng liên kết với các tỉnh miền Trung để tìm kiếm trồng rừng cũng như khai thác các loại gỗ như keo lá tràm… Tham vọng lớn, nhưng trước mắt, theo ông Bảo Hoàng, lĩnh vực nông nghiệp sẽ chiếm doanh thu khoảng 30% của TDH.

Sự chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp sắp tới có thể trở thành làn sóng của nhiều doanh nghiệp BĐS, bởi trước đây chưa lâu, CTCP Đầu tư thương mại BĐS An Dương Thảo Điền cũng góp 51% vốn để thành lập CTCP Đầu tư và thương mại Ascentro.

Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, sẽ hoạt động trong lĩnh vực buôn bán nông, lâm sản nguyên liệu, bao gồm cả thức ăn gia súc, thủy sản... Hoặc CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Sài Đồng cũng thông báo bổ sung thêm lĩnh vực nông nghiệp vào ngành nghề kinh doanh.

Các tin khác