Đầu tư Tam nông: Chờ chính sách ưu đãi

Dù nhiều năm qua nguồn ngân sách đầu tư cho lĩnh vực tam nông trong mỗi năm đều tăng hơn so với trước, nhưng vì chính sách chưa thu hút được sự tham gia của DN nên phát triển tam nông vẫn dậm chân tại chỗ.

Dù nhiều năm qua nguồn ngân sách đầu tư cho lĩnh vực tam nông trong mỗi năm đều tăng hơn so với trước, nhưng vì chính sách chưa thu hút được sự tham gia của DN nên phát triển tam nông vẫn dậm chân tại chỗ.

Vốn mới từ ngân sách

Theo Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7, tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực tam nông từ năm 2006-2008 là 146.575 tỷ đồng, bằng 45,24% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ. Điều này cho thấy Nhà nước rất quan tâm đến việc đầu tư và phát triển tam nông để đổi mới và mang lại hiệu quả cao cho hoạt động của khu vực nông nghiệp.

Chưa dừng lại đó, bước sang giai đoạn 2009-2011, nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp tiếp tục được tăng lên 286.212 tỷ đồng, bằng 52,3% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ, gấp 1,95 lần so với giai đoạn trước đó. Ngoài ra, trong giai đoạn 2006-2011, trong tổng giá trị hiệp định ODA được ký kết hơn 26.897 tỷ USD có đến 3.833 tỷ USD được sử dụng làm nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, thủy lợi, lâm nghiệp, thủy sản để phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Nhà nước cần có thêm chính sách ưu đãi để thúc đẩy đầu tư tam nông. Ảnh: C.THĂNG 

Nhà nước cần có thêm chính sách ưu đãi để thúc đẩy đầu tư tam nông. Ảnh: C.THĂNG 

Tuy nhiên, dù được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước với nguồn vốn đầu tư dồi dào nhưng mức đầu tư này chỉ mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu thực tế. Việt Nam hiện có lượng dân số sinh sống ở khu vực nông nghiệp rất lớn, nhu cầu đổi mới và phát triển rất nhiều nên nguồn ngân sách từ Nhà nước khó có thể đáp ứng được đầy đủ và rộng khắp.

Vì vậy, muốn đuổi kịp các lĩnh vực khác, cần đưa ra các biện pháp thu hút đầu tư từ khối DN trong nước cũng như nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chứ không nên để các dự án chỉ chờ đợi sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Do chưa được DN tham gia đầu tư vốn và giám sát nên hiệu quả sử dụng vốn còn rất hạn chế, nhiều dự án đầu tư dàn trải, kéo dài gây lãng phí.

Thí dụ, khi thực hiện, dự án hồ chứa nước Sông Móng tại tỉnh Bình Thuận được hỗ trợ mức đầu tư 207 tỷ đồng phục vụ tưới tiêu cho 4.670ha đất nông nghiệp cũng như điều tiết lũ cho khu vực hạ lưu và vùng phụ cận. Trong 2 năm 2008-2009, dự án này đã được bố trí 133,3 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, đến năm 2010-2011, dự án này không được tiếp tục nhận vốn trái phiếu chính phủ nên đã ngừng lại, không thi công nữa. Do xây dựng dở dang nên dù hồ đã tích được 34 triệu m3 nước nhưng sử dụng không hiệu quả. Điều này cho thấy các chính sách thu hút vốn đầu tư từ các DN vào nông nghiệp vẫn chưa được cải thiện.

Thiếu chính sách hút vốn

Theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, hiện DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chỉ chiếm khoảng 30% tổng số DN trên cả nước. Trong đó, có đến 60% DN có tổng vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản hiện có khoảng 1.400 DN hoạt động với tổng vốn đầu tư chỉ đạt khoảng 0,9% so với tổng số vốn của DN cả nước.

Những năm qua, nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn luôn ở mức rất thấp và có xu hướng giảm dần. Cụ thể, năm 2001, đầu tư cho nông nghiệp chiếm 8% trong tổng cơ cấu FDI nhưng đến năm 2010 chỉ còn 1%. Trong giai đoạn 1999-2010, cả nước chỉ thu hút được 738 dự án đầu tư vào lĩnh vực này với tổng vốn đăng ký là 4,3 tỷ USD, chiếm khoảng 2,3% so với tổng số vốn FDI đăng ký tại Việt Nam.  Lý do lĩnh vực nông nghiệp không được các DN đầu tư là vì rủi ro cao, lợi nhuận thấp.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho rằng Nhà nước cần phải đề ra nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để các thành phần kinh tế khác tham gia chia sẻ gánh nặng đầu tư trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang eo hẹp. Cho đến nay, các chính sách, giải pháp huy động vốn đầu tư của DN vào lĩnh vực này vẫn còn chậm, thiếu và ít. Nhiều chính sách ban hành nhưng không thể đi vào thực tế và cái thực tế cần lại chưa được ban hành.

Chẳng hạn năm 2004 Chính phủ đã ban hành Nghị định 177, trong đó có quy định hướng dẫn giao đất, cho thuê đất đối với hợp tác xã nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản, thông tư hướng dẫn nên quy định này không được thực hiện. Hơn nữa, các chính sách ưu đãi đối với DN đang hoạt động trong ngành nông nghiệp vẫn chưa được thực hiện tốt.

Thêm vào đó, sự khác nhau về cơ chế, chính sách, yêu cầu quản lý… của nhiều chương trình, dự án đã gây ra nhiều khó khăn, phức tạp về quản lý, giám sát, thanh/quyết toán trong việc lồng ghép đầu tư cho tam nông. Các quy định rối rắm về lập dự án, thẩm quyền thẩm định, việc được hay không được thuê tư vấn, kinh phí chi cho khoản thuê này cũng khiến các DN không mặn mà đầu tư vào tam nông.

Các tin khác