Đầu tư thông minh trong bối cảnh lạm phát

(ĐTTCO) - Tình hình lạm phát tăng mạnh tại Mỹ, các chỉ số chứng khoán DJ, S&P 500 giảm mạnh gần 20% tính từ thời điểm đầu năm, cũng như thông điệp từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về lộ trình tăng lãi suất liên tục trong năm nay để kìm chế lạm phát khi giá cả, hàng hóa, nguyên vật liệu tăng, là những thông tin đáng lưu ý về việc đầu tư gì trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Liệu đây có phải là tín hiệu cảnh báo đối với các nhà đầu tư (NĐT) toàn cầu, trong đó có Việt Nam, về việc TTCK còn thực sự hấp dẫn? Nếu có cơ hội đầu tư vào nhóm ngành nghề gì sẽ mang lại hiệu quả thỏa đáng trong môi trường đầu tư được đánh giá hấp dẫn như Việt Nam?

Lạm phát có độ trễ, NĐT ngoại quay trở lại
 TTCK Mỹ điều chỉnh mạnh vừa qua phần nào ảnh hưởng bởi đà giảm điểm của nhiều cổ phiếu (CP), trong đó có CP công nghệ - hiện tượng của 1 thập niên tăng trưởng. Nhưng đó là TTCK phát triển, quy mô lớn với nhiều CP công nghệ đã bị định giá quá cao. Còn với các TTCK mới nổi, cận biên, việc điều chỉnh giảm về mức chiết khấu lớn như giai đoạn vừa qua, khi VN Index giảm từ mốc 1.520-1.530 điểm về vùng đáy khu vực 1.150-1.200 điểm vẫn có cơ hội. 
Lạm phát tăng cao tại Mỹ và các nước châu Âu, trong khi tốc độ tăng lạm phát tại Việt Nam chưa đáng lo ngại. Nền kinh tế mở với sự tham gia tích cực các hiệp định thương mại (FTA), hoạt động xuất nhập khẩu, tốc độ giải ngân các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) tăng, ngành du lịch dịch vụ đang phục hồi sau đại dịch Covid-19 khá tốt, được coi là những điểm sáng của Việt Nam. Cơ hội đầu tư môi trường kinh tế như Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn còn sáng sủa. 
 Lạm phát là điều NĐT cần quan tâm, tình trạng nợ công, các sự kiện xung đột chính trị cũng ảnh hưởng đến TTCK trong ngắn hạn. Phương châm đầu tư xuyên suốt của NĐT là mua các CP tốt với mức giá chiết khấu lớn có lợi thế cạnh tranh để nắm giữ trong dài hạn. 
NĐT huyền thoại người Mỹ
WARREN BUFFET
Năm 2022, khi động lực tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam cũng kỳ vọng nhiều vào hoạt động đầu tư công, các gói hỗ trợ kinh tế. Trong khi tốc độ tăng lạm phát của Việt Nam đang có độ trễ hơn so với các nước trên thế giới, còn NHNN đánh giá hiệu quả kiểm soát lạm phát được ưu tiên để đánh đổi với sự tăng trưởng GDP thấp hơn, cho dù vẫn cao hơn các nước khác trên thế giới; đặc biệt trong khu vực, khi Việt Nam và Philippines được kỳ vọng phục hồi kinh tế tốt hơn các nước khác.
Khi lạm phát cao, sức mua giảm, đồng tiền mất giá, việc chọn lọc CP chất lượng cao, lợi thế cạnh tranh bền vững, triển vọng tăng trưởng doanh thu lợi nhuận ít ảnh hưởng bởi môi trường kinh tế với thị giá mua vào thấp, lại là chiến lược được coi sáng suốt hơn cả.
Điều này hoàn toàn phù hợp với số liệu nghiên cứu mới đây của Well fargo trên TTCK Mỹ, khi số liệu thống kê từ 2000-2022 cho thấy đầu tư vào CP chu kỳ hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế, môi trường lạm phát với giá nguyên liệu đầu vào tăng, đầu tư vào các nước đang phát triển và đầu tư vào hàng hóa, dầu thô, quặng sắt, cao su… cho mức sinh lợi tốt từ 15-18% trở lên.
Đầu tư thông minh trong bối cảnh lạm phát ảnh 1
Việc VN Index điều chỉnh từ vùng đỉnh 1.530 điểm về khu vực 1.150-1.160 điểm vừa qua đã khiến chỉ số P/E TTCK Việt Nam về mốc 11x-12x. Nhiều CP cũng đã giảm sâu từ vùng đỉnh về mức đáy vào tháng 5 sau khi giảm 30-40%. Cơ hội mua vào lại càng trở nên hiện hữu và lại ít rủi ro hơn nếu NĐT tham gia mua vào ở giai đoạn đầu năm.
Trong khi đó, NĐT nước ngoài sau hơn 18 tháng bán ròng trên TTCK Việt Nam, đang có dấu hiệu quay trở lại cho dù giá trị giao dịch chưa nhiều (tháng 4 mua ròng hơn 3.600 tỷ đồng). Nhiều quỹ đầu tư cũng lên kế hoạch giải ngân trở lại Việt Nam, và đã bắt đầu mua gom dần CP các doanh nghiệp niêm yết kể từ tháng 4 - tháng TTCK Việt Nam giảm điểm. Giá trị mua vào trong 2 tháng 4 và 5 cũng cho thấy dòng tiền khối ngoại đang có dấu hiệu quay trở lại.

Nhóm CP có mức tăng trưởng tốt
Giai đoạn 2011-2013, các CP bảo hiểm như BVH, PVI… đã có mức tăng trưởng khá, với đặc điểm là những CP trả cổ tức bằng tiền ổn định đều, mang lại mức sinh lời hợp lý với các NĐT. Năm 2020-2022 khi Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, USFTA, RCEP…, nhóm CP cảng biển, hóa chất lại là những CP được hưởng lợi lớn.
Nhiều CP có mức tăng trưởng doanh thu, EPS rất mạnh như HAH, DPM, DGC… đã có mức tăng giá rất ấn tượng. Điều này sẽ không quá xa vời với các NĐT kiên trì mua các CP có chọn lọc, với kết quả kinh doanh đầy hứa hẹn và ưu tiên đặc biệt đến nhóm CP mang tính chu kỳ như hóa chất, phân bón, năng lượng, dầu khí… 
Lấy thí dụ về nhóm CP dầu khí, đặc biệt là các CP trung và hạ nguồn, khi 2 mức giá dầu tiêu chuẩn thế giới là WTI, Brent đang neo cao trên mốc 110USD/thùng, các doanh nghiệp dầu khí hoàn toàn có thể kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khởi sắc trong giai đoạn 2022- 2023, khi hàng loạt dự án lớn mang lại doanh thu lợi nhuận cho các doanh nghiệp này, như dự án Sư tử Trắng giai đoạn 2, LNG Thị Vải, Lạc đà Vàng, Kèn bầu và đặc biệt là siêu dự án Lô B Ô Môn khởi động vào cuối năm 2022.
Như vậy, đầu tư giai đoạn lạm phát, căng thẳng Nga-Ukraine gia tăng, chu kỳ giá hàng hóa nguyên vật liệu tăng, triển vọng doanh thu lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết suy yếu, đầu tư vào các CP tưởng chừng rủi ro khi TTCK giảm, đôi khi lại là chiến lược hợp lý. Theo đó, khi VN Index và nhiều CP giảm về mức chiết khấu lớn, nhiều CP triển vọng đã giảm về mức giá phù hợp để các NĐT thông minh sẵn sàng mua vào với tầm nhìn dài. 
TTCK giá xuống cũng lại bắt đầu của xu hướng thị trường giá lên. Đầu tư thông minh vẫn chính là chọn các CP kỹ lưỡng, thận trọng và việc nắm giữ một thời gian phù hợp với kỳ vọng lợi nhuận thỏa đáng.

Các tin khác