* TS TRẦN ĐÌNH LÝ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM:
Tăng đầu tư cho giáo dục đại học
Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, kinh phí chi cho giáo dục đại học (GDĐH) chủ yếu vẫn từ 2 nguồn là Nhà nước và người học. Muốn phát triển GDĐH, bên cạnh các giải pháp, chính sách, nhất định phải tăng kinh phí chi cho hệ thống GDĐH từ 1 trong 2 nguồn, hoặc cả hai.
Khó có thể mong đợi chất lượng GDĐH Việt Nam sớm đạt đẳng cấp ngang tầm khu vực hay thế giới nếu không có những thay đổi mạnh mẽ về cơ chế và chính sách tài chính đối với GDĐH.
Đồng thời, tiếp tục cải tiến và mở rộng thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho sinh viên. Các chính sách về tài chính GDĐH hiện đang được quy định trong các nghị định của Chính phủ cần phải được rà soát, phân tích thấu đáo, xem xét để giải quyết những vấn đề mâu thuẫn và những điểm nghẽn.
Giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng luôn lấy chất lượng đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố cốt lõi. Đây không phải là quyền lợi mà là trách nhiệm của tất cả các bên liên quan, từ người dạy đến người học, và đặc biệt là góc độ quản lý nhà nước.
Nếu chúng ta không có cái nhìn dài hạn thì rất có thể rơi vào thế khó khăn trong bối cảnh cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh quốc tế. Chúng ta cũng hiểu rất rõ về quan hệ biện chứng giữa nguồn lực đầu vào và chất lượng đầu ra, sự cạnh tranh của GDĐH trong môi trường quốc tế (về sinh viên, về giảng viên).
Ngay cả các loại hình trường trong nước cũng đã có sự chênh lệch rất lớn. Thành tựu của ngành giáo dục thể hiện ở 2 góc độ: thành công từ việc tạo chính sách để các trường phát triển (rơi vào các trường tự chủ) góp phần cho ngành phát triển, và thành tựu đến từ việc đầu tư trực tiếp cho ngành giáo dục (các trường đặc thù chưa tự chủ).
Nếu chúng ta quan tâm đầu tư cho giáo dục thì sẽ thấy ngay được vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu với ngân sách như hiện tại, có lẽ chỉ có thể nói đến sự tránh tụt hậu, tồn tại, chưa thể nói đến phát triển.
Vì vậy, tôi hoàn toàn đồng ý việc tăng ngân sách đầu tư cho GDĐH lên khoảng 5% GDP/năm. Vấn đề đặt ra là sử dụng nguồn tăng này như thế nào cho hiệu quả, đầu tư vào đâu, nhân lực hay cơ sở vật chất; người học hay các trường đại học để chất lượng đào tạo được tốt nhất.
* Thầy LÂM TRIỀU NGHI, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình):
Hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện
Hiện nay, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai cuốn chiếu ở 2 khối lớp 10 và 11 ở bậc trung học phổ thông, với mục tiêu định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Trong đó, ngoài các môn học bắt buộc, học sinh được chọn 4 môn trong số các môn còn lại để có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc học ở bậc đại học.
Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền tôn trọng tối đa việc lựa chọn môn học của học sinh, đảm bảo học sinh chọn môn học nào sẽ được xếp lớp học đúng môn đó. Bởi chỉ khi được học môn mình yêu thích, học sinh mới phát huy được năng lực cá nhân, từ đó học chuyên sâu các chủ đề của môn học.
Nhiều năm qua, nhà trường đẩy mạnh dạy học tăng cường tiếng Anh, tin học, các câu lạc bộ học thuật, văn thể mỹ nhằm giúp học sinh có môi trường hoạt động ngoài giờ lên lớp phong phú, phù hợp năng lực và sở thích của học sinh.
Việc sinh hoạt ở các câu lạc bộ tùy theo sở thích giúp học sinh rèn luyện thêm các kỹ năng mềm cần thiết, như kỹ năng làm việc nhóm, phản biện... Ngoài ra, các em được khuyến khích tham gia các hoạt động của Đoàn thanh niên nhằm tăng sự kết nối với nhau, cùng tham gia các hoạt động xã hội, qua đó nâng cao chỉ số cảm xúc, giảm thời gian sử dụng mạng xã hội.
Các hoạt động nói trên hướng đến mục tiêu giáo dục học sinh trở thành công dân toàn cầu, có khả năng hội nhập quốc tế. Thời gian tới, tôi mong các cán bộ, nhà giáo tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cách dạy của thầy, cách học của trò.
Trong bối cảnh chung của toàn ngành, người thầy không còn là người truyền thụ kiến thức như trước đây mà giữ vai trò tổ chức các hoạt động giáo dục để học sinh tự tìm kiếm kiến thức cho mình.
* Th.S NGUYỄN NGỌC HẠNH, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường Trung cấp Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương (quận 5, TPHCM):
Nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao
Hàng năm, Trường Trung cấp Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương đào tạo nguồn nhân lực lao động kỹ thuật cao trong nhóm ngành nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ với gần 1.000 học sinh tốt nghiệp và hàng chục học sinh đoạt giải cao của các kỳ thi kỹ năng nghề cấp thành phố, quốc gia, quốc tế… Nhờ tay nghề giỏi, các em được doanh nghiệp săn đón, sẵn sàng trả mức lương cao.
Mặc dù là trường mũi nhọn trong đào tạo nghề hệ trung cấp với 7 nghề trọng điểm quốc gia và bám sát các nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của TPHCM (Cơ điện tử, Bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí, Cắt gọt kim loại…), nhưng do cơ sở vật chất xuống cấp, chật hẹp… dẫn tới điều kiện học tập của học sinh còn nhiều hạn chế.
Năm 2016, dự án cải tạo, xây mới khu B-C-D của trường đã được HĐND TPHCM thông qua với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng, nhưng do gặp vướng mắc, hiện dự án đã bị “đóng băng”.
Tuy nhiên, nhà trường vẫn đang nỗ lực phối hợp với đơn vị liên quan để lập dự án đầu tư mới nhà trường và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo theo định hướng 4.0, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, ô tô điện và vi mạch bán dẫn… Với những định hướng phát triển này, rất mong thành phố và sở, ngành quan tâm hỗ trợ để nhà trường đào tạo nguồn nhân lực lao động kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu của thị trường.
* Th.S NGUYỄN TRẦN NGỌC PHƯƠNG, Giám đốc Trung tâm Marketing và Phát triển thương hiệu (Trường ĐH Công nghệ TPHCM):
Có chính sách phù hợp cho giáo viên trẻ
Ở tầm vĩ mô, tôi quan tâm đến thu nhập, phúc lợi cho nhà giáo trẻ để họ được tiếp thêm động lực để yêu nghề. Là một người công tác trong ngành giáo dục gần 15 năm, tôi thấy bản thân mình hạnh phúc khi được sống, làm việc theo đúng ước mong là được làm nhà giáo và đến thời điểm hiện tại vẫn quyết tâm theo nghề cho đến cùng.
Tuy nhiên, thực tế ngày nay, nhiều thầy, cô giáo ở nhiều bậc học không đi hết con đường ban đầu đã chọn. Có nhiều lý do, nhưng tôi nghĩ phần lớn nằm ở vấn đề thu nhập. Tôi cho rằng, cần có chính sách đồng hành cùng đội ngũ nhà giáo công tác tại các địa phương theo diện thu hút người tài, không phân biệt bậc học nào, miễn đáp ứng đủ các tiêu chí tuyển dụng... thì sẽ có chế độ hỗ trợ lương, phụ cấp, nơi ở, học tập nâng cao trình độ, các điều kiện thiết yếu khác.
Thực tế, đội ngũ này sẽ khá chật vật nếu làm việc xa gia đình, nhất là lại làm nghề giáo. Tôi thấy rất nhiều đồng nghiệp ở các tỉnh đã chọn làm thầy, cô giáo ở TPHCM, sau nhiều năm công tác vẫn còn ở thuê, làm thêm để trang trải cuộc sống... Mặt khác, nên mạnh dạn hơn khi giao những nhiệm vụ quản lý cho người trẻ nếu họ thật sự phù hợp và trải qua thời gian thử thách. Đây là giải pháp vừa cho họ cảm thấy được trân trọng, vừa làm gương cho những trường hợp khác.
Với học sinh THPT, tôi cho rằng các trường cần quan tâm đến hoạt động định hướng nghề nghiệp cho học sinh, cần chung tay để làm tốt công tác hướng nghiệp cho các em. Điều này tránh gây lãng phí cho xã hội, gia đình và tổn thất về kinh tế.
Nhiều em không được làm tốt công tác này, loay hoay trong chọn ngành và cuối cùng phải bỏ học. Một thực tế khác, góc độ định hướng hiện nay đang chưa đồng bộ, toàn diện... khiến cơ cấu chọn ngành bị lệch, ảnh hưởng lớn đến cấu trúc lao động sau này.