Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 không ngừng tăng, mục tiêu vừa đảm bảo an toàn cho học sinh (HS) vừa duy trì chất lượng dạy học trở thành thử thách lớn với các trường học.
Phụ huynh cần chung tay với nhà trường nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh trước dịch bệnh. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Mỗi nơi xử lý một kiểu
Những ngày qua, trên các diễn đàn, mạng xã hội, nhóm trao đổi của phụ huynh, câu hỏi được nhiều người đặt ra nhất là vì sao cùng số lượng ca F0 nhưng mỗi trường xử lý khác nhau? Chị Bảo Thanh, phụ huynh có con đang học lớp 11 của một trường THPT ở quận 10, cho biết, đầu tuần qua, lớp con chị xuất hiện 2 ca F0. Sau khi tiến hành điều tra dịch tễ, nhà trường quyết định cho toàn bộ HS trong lớp chuyển qua học trực tuyến dù số lượng ca nhiễm chưa nhiều.
“Nguyên nhân là do trước đó một ngày, các em hẹn hò ăn uống trong tiệc mừng sinh nhật một thành viên trong lớp khiến số F1 tiếp xúc gần lên đến 38 em. Giáo viên chủ nhiệm giải thích với chúng tôi là việc chuyển qua dạy, học trực tuyến nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm, kịp thời ngăn chặn nguồn lây nếu có”, phụ huynh này cho biết.
Trong khi đó, với nhiều trường tiểu học và THCS trên địa bàn quận Tân Bình, khi phát hiện ca nghi nhiễm Covid-19, nhà trường nhanh chóng khoanh vùng HS có tiếp xúc gần. Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình Phan Văn Quang cho biết, sơ đồ chỗ ngồi của tất cả HS trong lớp được công khai với phụ huynh. Khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh dễ dàng xác định các trường hợp tiếp xúc gần theo phạm vi từng nhóm nhỏ, tránh làm ảnh hưởng toàn bộ HS trong lớp. Những em nào được xác định là F1 sẽ được nghỉ học, ở nhà theo dõi sức khỏe, những HS còn lại tiếp tục học trực tiếp bình thường.
Trước câu hỏi vì sao cùng số lượng F0 nhưng nhiều nơi chuyển qua dạy học trực tuyến, nơi vẫn dạy học trực tiếp bình thường, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, theo hướng dẫn mới nhất của UBND TPHCM về kiểm soát dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục, nếu trong cùng một ngày lớp học xuất hiện từ 2 ca F0 trở lên thì ban chỉ đạo phòng chống dịch của cơ sở giáo dục căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ quyết định hình thức học tập tiếp theo của HS trong lớp. Ở quy mô lớn hơn, nếu cùng một ngày, trường học xuất hiện từ 2 lớp có F0 trở lên thì ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp quận, huyện căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tập tiếp theo của trường.
Đại diện Sở GD-ĐT Thành phố cũng lưu ý, trường hợp có yếu tố dịch tễ phức tạp (như HS có giao lưu tiếp xúc với nhau diện rộng, HS có bệnh nền, béo phì, HS là đối tượng chống chỉ định tiêm vaccine Covid-19…), ban chỉ đạo phòng chống dịch nhà trường hoặc quận, huyện đánh giá tình hình và đưa ra quyết định hình thức dạy học phù hợp. Điều này đồng nghĩa với việc không phải cứ xuất hiện nhiều hơn 2 ca F0 trong lớp học thì nhà trường chuyển qua dạy và học trực tuyến, mà phụ thuộc vào kết quả điều tra dịch tễ, tình hình thực tế tại đơn vị.
Phụ huynh cần chung tay
Qua các buổi khảo sát tình hình dạy học trực tiếp tại các trường mầm non và tiểu học, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nhấn mạnh, do đặc thù về sức khỏe và tâm sinh lý của đối tượng trẻ là HS mầm non và tiểu học, việc xét nghiệm nhanh cho HS cần có sự đồng thuận, thậm chí chứng kiến của phụ huynh.
Thực tế này được chứng minh sau 2 tuần các em trở lại trường học, phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 12 cho biết: “Việc xét nghiệm nhanh cho HS lớp 1, 2 khi lớp học phát hiện ca nghi nhiễm cực kỳ khó. Nhiều tình huống cười ra nước mắt như phụ huynh yêu cầu phải dùng kit test bằng nước bọt, không cho test theo hình thức ngoáy mũi HS. Tình huống cần phối hợp nhưng giáo viên chủ nhiệm liên lạc nhiều lần phụ huynh không nghe máy”...
Mới đây, một trường THPT ở TP Thủ Đức thông báo khuyến khích phụ huynh, HS và giáo viên thực hiện test nhanh tại nhà vào mỗi chiều chủ nhật để đảm bảo an toàn trước khi trở lại trường học vào thứ hai. Yêu cầu này nhằm đẩy mạnh công tác tự tầm soát sức khỏe cho HS và giáo viên, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh trong trường học, qua đó giúp phụ huynh, HS nâng cao ý thức cảnh giác, phối hợp tốt với nhà trường trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Một cách làm khác, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) đang triển khai mô hình tổ phòng chống Covid-19 do HS tự quản trong các lớp học. Thông qua các hành động nhỏ như nhắc bạn đeo khẩu trang, theo dõi chéo sức khỏe lẫn nhau, kịp thời báo cho giáo viên chủ nhiệm các trường hợp bất thường về sức khỏe, HS được rèn tính tự giác và chủ động, sẵn sàng phối hợp với giáo viên trong việc giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh trong lớp.
Tuy nhiên, đại diện các đơn vị cũng thừa nhận, trong bối cảnh vừa dạy học vừa thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, các trường đang thiết lập trạng thái “bình thường mới”, nỗ lực duy trì dạy học trực tiếp, hạn chế nguy cơ gián đoạn quá trình học tập của HS chứ chưa thể tập trung hoàn toàn vào việc nâng cao chất lượng dạy học.
Trước tình hình đó, Sở GD-ĐT TPHCM chỉ đạo các cơ sở giáo dục có giải pháp quan tâm các HS học trực tuyến. Khi những em này trở lại trường học, giáo viên cần rà soát, kịp thời bổ sung kiến thức cho HS, đáp ứng nội dung cốt lõi của chương trình.
“Trong quá trình điều tra dịch tễ và đánh giá tình hình, các trường phải lưu ý làm sao xác định đúng đối tượng nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho HS, đưa ra kịch bản dạy học phù hợp nhất. Phương án tổ chức dạy học cần được tính toán trên cơ sở linh hoạt kết hợp 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp, đảm bảo an toàn và quyền lợi của HS”. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM DƯƠNG TRÍ DŨNG |