Tuy nhiên, Sawaco chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó, trong đó có việc phối hợp với các đơn vị quản lý hồ chứa nước từ thượng nguồn (như hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An) để khi cần thiết sẽ đề nghị xả nước đẩy mặn, đảm bảo độ mặn của nguồn nước thô không vượt ngưỡng an toàn theo quy định của Bộ Y tế (tối đa là 250mg/l).
Theo ông Trần Kim Thạch, độ mặn tại nơi lấy nước thô trên sông Đồng Nai (trạm Hóa An, tại Biên Hòa, Đồng Nai) ở mức thấp (khoảng 40mg/l) nên không đáng lo. Tuy nhiên, độ mặn trên sông Sài Gòn (nơi đặt trạm bơm nước thô Hòa Phú, huyện Củ Chi) cao hơn nên Sawaco phải thường xuyên đề nghị hồ Dầu Tiếng xả nước đẩy mặn. Theo đó, khi độ mặn ngấp nghé ở mức 100ml/l thì đề nghị đẩy mặn, đảm bảo độ mặn ở sông Sài Gòn duy trì ở mức thấp so với ngưỡng an toàn. Tính từ Tết Nguyên đán đến nay, hồ Dầu Tiếng đã 5 lần thực hiện đẩy mặn.
Ông Trần Văn Khuyên, Chủ tịch HĐTV Sawaco, cho biết, nhu cầu sử dụng nước sạch trên địa bàn TPHCM hiện khoảng 1,9 triệu m³/ngày, trong khi công suất các nhà máy cấp nước của Sawaco là 2,4 triệu m³/ngày. Tuy nhiên, hiện nay miền Tây Nam bộ ngập mặn nghiêm trọng nhất từ trước đến nay… thì nguồn nước thô ở sông Đồng Nai, sông Sài Gòn ngày càng xấu hơn. Điều này làm cho việc lấy nước thô sản xuất cũng ảnh hưởng nhiều. Do vậy, việc tìm giải pháp cho nguồn nước thô sản xuất nước sạch là hết sức cấp thiết (cho hiện nay hoặc ít nhất 5-10 năm tới). Nếu sau thời gian này thì có thể có những ảnh hưởng khó lường đến việc cung cấp nước sạch cho người dân TPHCM.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là cần xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cấp nước cho TPHCM. Đây sẽ là bước chuẩn bị quan trọng mang tính chiến lược cho tầm nhìn trên 50 năm và thời gian xa hơn trong việc đảm bảo an ninh nước sạch cho người dân TPHCM.