Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine

(ĐTTCO)-Hiện nay hầu như tất cả lực lượng y, bác sĩ tinh nhuệ nhất của TPHCM đã được huy động để túc trực cho các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng. Chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn đang được triển khai và bắt đầu vào đợt 5. Nhiều ý kiến của các chuyên gia y tế, doanh nghiệp, người dân muốn chia sẻ, đồng hành cùng thành phố, thúc đẩy chiến dịch nhanh và hiệu quả.

Tiêm vaccine Covid-19 tại Nhà thi đấu Phú Thọ. Ảnh: CAO THĂNG
Tiêm vaccine Covid-19 tại Nhà thi đấu Phú Thọ. Ảnh: CAO THĂNG

TS NGUYỄN QUỐC BÌNH, Giáo sư thỉnh giảng Đại học Laval Canada:

Triển khai tiêm vaccine càng nhanh càng tốt

Theo tôi, cần có một bộ chỉ huy chống dịch để đồng bộ hết tất cả những hoạt động chống dịch của TPHCM, như: điều phối nhân lực, bệnh viện, nhu yếu phẩm, thông tin… Cần có một app chung cho đăng ký khai báo sức khỏe cũng như đăng ký tiêm vaccine phân bổ thời gian địa điểm tiêm cho từng người thông qua app đó. 

Điều quan trọng hiện nay là triển khai tiêm vaccine càng nhanh càng tốt. Theo tôi, không thể chia đôi nhân lực bác sĩ hiện có để làm 2 nhiệm vụ này lâu dài được. Vậy nên làm thế nào cho tốt? Tiêm vaccine thì chỉ cần mức độ y tá cũng tiêm được, do vậy cần huy động sinh viên ngành sức khỏe của các trường đại học đến tập huấn ngắn hạn về công tác tiêm chủng. Ở mỗi điểm tiêm cần có một bác sĩ đảm trách để theo dõi 15 - 30 phút những người sau khi tiêm.

Đồng thời có ban cố vấn gồm một số bác sĩ giỏi để kịp thời tư vấn hay xử lý ngay. Lấy các điểm trước đây làm điểm bỏ phiếu bầu đại biểu HĐND làm nơi tiêm vaccine. Như vậy, chúng ta mới có được một đội quân khá thiện chiến để tham trận một cách lâu dài mà không ảnh hưởng tới đội quân chính.

Bên cạnh đó, cần triển khai tiêm cho những người trên 65 tuổi, những người có bệnh nền dễ tổn thương, những người tiếp xúc nhiều, như: tài xế, tiểu thương, người giao hàng, sinh viên tham gia chống dịch. Ưu tiên tiêm cho những nơi ít dịch (vùng xanh) để giữ vững vùng này càng lâu càng tốt.

Ông VŨ NAM CHIẾN, Phó Giám đốc Công ty TNHH TM Tân Nhất Hương:

Doanh nghiệp sẵn sàng trả chi phí để lo cho công nhân

Hiện nay, doanh nghiệp đều rất sẵn sàng chi trả chi phí để thực hiện tiêm vaccine cho công nhân. Việc doanh nghiệp có trường hợp công nhân mắc Covid-19 là khó tránh khỏi, do mỗi doanh nghiệp có đến cả ngàn công nhân đang làm việc.
Sau khi UBND TPHCM ban hành quy định “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm” thì số công nhân có thể bố trí ăn, ở và làm việc tại chỗ của các doanh nghiệp đã phải giảm xuống một nửa. Thế nhưng, những nguy cơ doanh nghiệp bị “chết đột ngột” vẫn hiện hữu. 

Để giúp doanh nghiệp thoát nhanh tình trạng này, Bộ Y tế cần hướng dẫn kỹ nguồn vaccine nhập khẩu, cũng như phân bổ về cho các địa phương; trong đó phải có những chính sách ưu tiên đặc biệt cho TPHCM - nơi tập trung 60% doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu nói riêng và hơn 300.000 doanh nghiệp sản xuất đang hoạt động nói chung.
Tại mỗi địa phương bao gồm TPHCM cần thiết lập các đầu mối trung gian song song với hệ thống y tế quận huyện để nhanh chóng đưa vaccine nhanh nhất đến với doanh nghiệp và người dân.
Về quy trình nhập khẩu vaccine, theo tôi các đơn vị có khả năng tiếp cận nhập khẩu vaccine thì hãy để doanh nghiệp chủ động kết nối cũng như chủ động gia tăng khả năng nhập khẩu vaccine, sớm giải quyết nhu cầu tiêm vaccine trong nước.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham):

Cần tiêm vaccine cho tất cả công nhân trong các nhà máy

Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đã có văn bản cho rằng, cần thiết phải tiêm vaccine cho tất cả công nhân đang hoạt động trong các nhà máy. Bởi đây là giải pháp đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của người lao động, duy trì hoạt động kinh doanh liên tục, tạo điều kiện đầu tư và thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Quan trọng hơn, cần phát huy tối đa sự sẵn sàng của khu vực tư nhân cả về tài chính và triển khai, phân phối nguồn lực vaccine. 
Hiện nay, giải pháp duy nhất mang tính bền vững là thúc đẩy chương trình tiêm chủng đại trà vaccine ngừa Covid-19. Về phía các công ty châu Âu sẵn sàng chi trả chi phí bảo vệ nhân viên của chính họ. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, đồng thời giảm gánh nặng tài chính và hành chính cho nhà nước.
Nhưng để làm được vậy, doanh nghiệp cần tiếp cận đủ nguồn cung cấp. EuroCham đang sử dụng tất cả các công cụ để hỗ trợ Việt Nam mua sắm đủ liều lượng và chúng tôi tin tưởng rằng, niềm tin kinh doanh sẽ phục hồi ngay sau khi chúng tôi có thể tiêm chủng đại trà. 

Ông Võ Văn Quang, ngụ phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức:

Để xã hội chung tay 

Không riêng người có tuổi, mà người dân lao động trong tổ dân phố đều muốn sớm được tiêm vaccine để an toàn cho bản thân và gia đình. Mấy người con tôi đang làm ở công ty càng nóng lòng, mong sớm được tiêm vaccine để giữ sức khỏe, an tâm làm việc và không làm lây lan, ảnh hưởng sức khỏe cho những người trong gia đình. 

Qua nhiều năm tham gia công tác ở khu phố, thường vận động các gia đình đưa trẻ tiêm chủng ngừa bệnh, tôi thấy hầu hết các loại vaccine ngừa viêm gan, lao, sởi… đã được cấp phép sử dụng đều đảm bảo an toàn, hiếm hoi lắm mới có mũi tiêm gây phản ứng nặng, còn phần nhiều chỉ sốt nhẹ. Để chung tay cùng Nhà nước, thiết nghĩ cơ quan chức năng xem xét cho phép xã hội hóa để các đơn vị y tế ngoài nhà nước có đủ điều kiện được nhập vaccine và tổ chức tiêm rộng rãi như các loại vaccine thông thường. Lâu nay, không chỉ cơ sở y tế nhà nước mà nhiều đơn vị y tế tư nhân tổ chức nhập, tiêm vaccine dịch vụ hiệu quả, an toàn. Có như vậy người dân mới sớm tiếp cận được vaccine, sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế:

Rút gọn thủ tục nhập khẩu vaccine Covid-19

Nhằm đa dạng hóa nguồn vaccine phục vụ nhu cầu tiêm chủng cho người dân phòng chống dịch bệnh, tất cả các quy trình liên quan đến việc cấp phép và nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 đã được Bộ Y tế rút gọn tối đa để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện. Cục Quản lý Dược cũng đã công khai hơn 30 đơn vị đạt yêu cầu về nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 trên website của cục.

Cùng với đó, Bộ Y tế khuyến khích các địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân... nếu tiếp cận được vaccine phòng Covid-19 thì Bộ Y tế sẵn sàng tạo mọi điều kiện hỗ trợ về các thủ tục nhập khẩu. Hiện nay, nếu tổ chức ngoại giao, các địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp... tiếp cận được vaccine thì có thể nhập về dưới 2 hình thức: Đối với các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự thực hiện nhập khẩu theo quy định tại Điều 75 của Nghị định số 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Dược. Đối với các địa phương, tập đoàn, tổng công ty... thì nhập khẩu theo quy định tại Điều 67 của Nghị định số 54.

Bộ Y tế được giao là đầu mối nhập khẩu vaccine, nhưng không có nghĩa là “độc quyền” mà luôn khuyến khích tất cả địa phương, doanh nghiệp có điều kiện, khả năng tiếp cận các nguồn vaccine đều có thể nhập khẩu. Lưu ý, trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng với cơ sở sản xuất hoặc cung ứng vaccine, các đơn vị lưu ý tới các vaccine đã được WHO phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp (từ các cơ sở sản xuất: AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Johnson & Johnson...). Bộ Y tế sẽ xem xét phê duyệt trong thời gian 5 ngày làm việc khi nhận đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo ủy quyền chính thức của cơ sở sản xuất vaccine phòng Covid-19.

Khi làm thủ tục nhập khẩu vaccine vào Việt Nam, các đơn vị khẩn trương gửi hồ sơ chất lượng theo quy định (bao gồm: Giấy chứng nhận xuất xưởng của cơ sở sản xuất và/hoặc giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan quản lý) để Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế (NICVB) thực hiện việc cấp giấy chứng nhận xuất xưởng trong vòng 48 giờ theo khuyến cáo của WHO để bảo đảm chất lượng, tránh việc nhập khẩu vaccine không rõ nguồn gốc. Trường hợp các doanh nghiệp, tổ chức chưa có kinh nghiệm nhập khẩu vaccine theo quy định, đề nghị liên hệ với các đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu vaccine để phối hợp thực hiện, hoặc liên hệ với Cục Quản lý Dược để được hỗ trợ.

Các tin khác