ĐB Trần Hoàng Ngân: 'Quốc hội làm luật nhiều, nhưng phần lớn là sửa đổi'

(ĐTTCO) - Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ: “Quốc hội làm luật nhiều, nhưng phần lớn là sửa đổi. Về lâu dài phải nâng cao chất lượng các đạo luật với tầm nhìn xa hơn”.
ĐB Trần Hoàng Ngân: 'Quốc hội làm luật nhiều, nhưng phần lớn là sửa đổi'

Thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội TPHCM về dự thảo nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, các ĐB bày tỏ ủng hộ đề xuất của Chính phủ, song tỏ ra băn khoăn vì nhiều dự án luật vừa được thông qua, trong đó có dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021), nay đã sớm bộc lộ nhiều bất cập.

ĐB Trần Hoàng Ngân nêu rõ: “Quốc hội làm luật nhiều, nhưng phần lớn là sửa đổi. Về lâu dài phải nâng cao chất lượng các đạo luật với tầm nhìn xa hơn”.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Nêu ý kiến thảo luận, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng đầu tư hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong bối cảnh hiện nay phải nỗ lực, hỗ trợ đến mức tối đa để có thể triển khai đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, vì chúng ta đã có kế hoạch, đã có phân bổ vốn.

“Điều này rất quan trọng, vì ba động lực tăng trưởng là xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư, thì động lực xuất khẩu đang bị mất đà do bối cảnh thế giới. Bên cạnh đó, tiêu dùng trong nước thì người dân cũng bị bào mòn sau hai năm đại dịch. Chỉ còn động lực quan trọng nhất còn lại hiện nay là động lực đầu tư, trong đó đầu tư công có vai trò dẫn dắt. Vì vậy phải làm sao tháo gỡ được các cơ chế để giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng, hỗ trợ tháo gỡ các điểm nghẽn - mà điểm nghẽn mắc nhất hiện nay là hạ tầng giao thông”, ĐB Trần Hoàng Ngân nói.

ĐB Đỗ Đức Hiển (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Đỗ Đức Hiển (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Đồng thuận với ĐB Trần Hoàng Ngân, ĐB Đỗ Đức Hiển nhấn mạnh, những vướng mắc như nêu trong tờ trình của Chính phủ còn mới nên phương án ban hành nghị quyết để làm thí điểm là cần thiết. ĐB nói: “Tuy nhiên, nguyên tắc, tiêu chí để lựa chọn các dự án thí điểm phải rõ. Trường hợp nào phải được cả Trung ương và địa phương nhất trí, trường hợp nào có thể làm ngay”.

ĐB Đỗ Đức Hiển cũng lưu ý, nghị quyết quy định, việc khai thác mỏ khoáng sản theo thủ tục đơn giản, chỉ thực hiện đến năm 2025, vậy khi đó nếu các công trình chưa hoàn thành thì sao?

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh chia sẻ ý kiến này. Nữ ĐB nêu vấn đề, trong khi một số dự án được chọn làm thí điểm thì nhiều dự án khác vẫn đang thực hiện theo luật hiện hành, như vậy là tồn tại song song 2 hành lang pháp lý. Trong khi đó, quy định về nguyên tắc và tiêu chí lựa chọn dự án như tại điều 3 của dự thảo “thực chất không phải là nguyên tắc, mà chỉ là thủ tục (có văn bản đề nghị của UBND và Bộ GTVT...).

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Về đề xuất kéo dài tiến độ thực hiện, giải ngân dự án dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư để xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết cơ bản nhất trí, song đề nghị làm rõ việc kéo dài thời gian thực hiện này đến năm 2024 (dự kiến ban đầu là năm 2021) sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của cả dự án như thế nào, liệu có đảm bảo tiến độ hoàn thành giai đoạn 1 hay không?

Các tin khác