DBC liệu còn hy vọng sau đợt lao dốc cực sốc của giá heo hơi?

(ĐTTCO) - Giá heo hơi được dự báo sẽ hồi phục trong những tháng cuối năm liệu có đủ sức kéo DBC trở lại “đường đua” sau quý III không mấy khả quan vì đại dịch Covid-19?


Với giá thành heo hơi khoảng 35.000 đồng/kg, doanh nghiệp ghi nhận mức lỗ khoảng 12.000 đồng/kg trên giá thành.
Với giá thành heo hơi khoảng 35.000 đồng/kg, doanh nghiệp ghi nhận mức lỗ khoảng 12.000 đồng/kg trên giá thành.

Doanh nghiệp chăn nuôi lao đao

Theo ước tính của CTCK Rồng Việt (VDSC), với giá thành heo hơi khoảng 35.000 đồng/kg, những doanh nghiệp có chuỗi chăn nuôi heo hoàn thiện từ nguồn cung thức ăn chăn nuôi, con giống đến heo thịt sẽ ghi nhận mức lỗ khoảng 12.000 đồng/kg trên giá thành.

Mức lỗ thậm chí sẽ cao hơn với nhóm hộ nông dân có quy mô nhỏ và hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào nguồn heo giống mua trên thị trường.

Giá heo tụt giảm mạnh khiến cho kết quả kinh doanh quý III của CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) có diễn biến trái chiều giữa doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu của DBC đạt 2.682 tỷ đồng (tăng 5%), nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 138 tỷ đồng (giảm 64%).

Theo VDSC, sự sụt giảm lợi nhuận sau thuế của DBC đến chủ yếu từ sự suy giảm giá heo hơi kéo dài xuyên suốt trong các tháng của quý III, trong khi giá thành chăn nuôi tiếp tục duy trì ở mức cao, do sự gia tăng giá nguyên liệu đầu vào, dẫn đến biên lợi nhuận gộp của công ty chỉ đạt 14,3% và biên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 5,1%.

Giá heo hơi giảm sâu và kết quả kinh không như kỳ vọng cũng chính là nguyên nhân khiến giá CP DBC từ mức 64.000 đồng/CP trong tháng 9 rớt sâu xuống chỉ còn 56.000 đồng/CP trong tháng 10 (tương đương 12,5%).

Nhu cầu giảm trong bối cảnh nguồn cung tăng

Xu hướng giảm giá heo hơi bất ngờ trong quý III, do khi ảnh hưởng của giãn cách xã hội nghiêm ngặt kéo dài tại các tỉnh, thành phía Nam khiến các cửa chuỗi nhà hàng và quán ăn tại nhiều địa phương phải đóng cửa.

Cùng với đó, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng liên tỉnh khiến nguồn cung heo quá lứa (120-150 kg) chiếm khoảng 30% tổng đàn heo toàn quốc, gia tăng áp lực giảm giá bán trên thị trường.

Ngoài yếu tố trong nước, giá heo hơi cũng bị ảnh hưởng bởi như cầu trên thế giới. Theo Bộ Canh nông Hoa Kỳ (USDA), đàn heo thế giới ước đạt gần 1,2 tỷ con, trong đó sản lượng đàn heo tại Trung Quốc ước đạt 565 triệu con, EU 271 triệu con, và Mỹ là 136 triệu con.

DBC liệu còn hy vọng sau đợt lao dốc cực sốc của giá heo hơi? ảnh 1 Giá heo hơi giảm sốc trong tháng 10 dấy lên lo ngại thiếu thịt heo cuối năm khi doanh nghiệp, hộ nuôi không còn đủ sức tái đàn.
Đáng chú ý là quy mô đàn heo tại Trung Quốc đang phục hồi về mức trước khi dịch tả châu Phi bùng phát. Cụ thể, sản lượng heo hơi năm 2021 tại Trung Quốc đã hồi phục tương đương 82% sản lượng heo hơi của năm 2017.

Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc (MARA) cho biết sản lượng heo nái tính đến tháng 6 đạt 45,64 triệu con (tăng 9,34 triệu con), số heo xuất chuồng đạt 337,42 triệu con (tăng 86,39 triệu con).

Số lượng doanh nghiệp chăn nuôi heo cũng đã mở rộng hơn tại Trung Quốc. Quốc gia này đã có 376.500 doanh nghiệp chăn nuôi heo. Ngoài ra, Trung Quốc đang ghi nhận sự phát triển của các nhà sản xuất khổng lồ.

Trước khi dịch tả heo châu Phi lan rộng, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chỉ có 2 công ty chăn nuôi đạt quy mô 10 triệu con heo mỗi năm. Tuy nhiên, quốc gia này có thể đạt hơn 10 nhà sản xuất siêu khổng lồ, mỗi nhà sản xuất có hơn 1 triệu nái vào cuối năm 2021.

Đây là các nguyên nhân chính khiến giá heo hơi nội địa suy giảm mạn,h với mức giảm giá 40% trong quý vừa qua. Sau 9 tháng giảm giá liên tục, giá heo hơi trong 2 tuần đầu tháng 10 dừng tại ngưỡng 35.000 đồng/kg (giảm 56% kể từ đầu năm 2021).

Kỳ vọng gì từ quý IV?

Sau đợt sụt giảm trong 2 tuần đầu tháng 10, giá heo hơi bật tăng trở lại trong ngưỡng 45.000-50.000 đồng/kg, tăng 30-40% từ mức đáy. Sự cải thiện đến từ những chuyển biến tích cực hơn đối với thị trường heo hơi trong quý IV, khi Chính phủ gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội tại miền Nam, giúp kinh tế phục hồi và cải thiện chuỗi cung ứng liên tỉnh.

Các tín hiệu tích cực, bao gồm chợ truyền thống dần mở cửa trở lại, các chuỗi nhà hàng và quán ăn được phục vụ tại chỗ kể từ ngày 28-10, với công suất tối đa đạt 50%, đẩy mạnh chương trình tiêm chủng Covid-19 cho trẻ em theo lộ trình mở cửa trường học, và vận chuyển liên tỉnh quay trở lại mức bình thường, kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thịt heo tại các tỉnh, thành phía Nam.

Nhận định về giá heo hơi trong những tháng cuối năm, VDSC kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ hồi phục toàn quốc, cùng sự cải thiện của hoạt động vận chuyển, sẽ mang lại sự khởi sắc cho thị trường và kết quả kinh doanh của DBC trong quý cuối của năm.

Cụ thể, lợi nhuận của DBC trong quý IV được kỳ vọng sẽ có sự hồi phục tích cực, khi giá heo hơi đang gia tăng trở lại ngưỡng giá thành chăn nuôi của công ty. Bên cạnh đó, VDSC cũng kỳ vọng xu hướng hồi phục sẽ kéo dài trong quý I-2022, khi nhu cầu tiêu thụ thịt heo rơi vào mùa cao điểm Tết Âm lịch.

Cổ phiếu DBC cũng đã tăng trở lại lên mốc 60.000 đồng/CP, khi giá heo hơi tăng trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để kỳ vọng vào đợt sóng của mã CP chăn nuôi này, bởi ở mức giá hiện tại chỉ tương đương điểm hòa vốn của doanh nghiệp.

Các tin khác