Chiều 3-3, Đoàn ĐBQH TPHCM giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân từ ngày 1-7-2016 đến 1-7-2021, tại Sở TN-MT, Văn phòng đăng ký đất đai TPHCM và Sở Xây dựng TPHCM.
Tranh chấp ở các chung cư “nóng” dần
Phát biểu tại buổi giám sát, ĐB Nguyễn Sỹ Quang nhận định, đây là những đơn vị rất nóng liên quan tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, khi phần lớn nội dung khiếu nại, tố cáo hiện nay đều liên quan đến đất đai, xây dựng và môi trường.
ĐB Nguyễn Sỹ Quang phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: MAI HOA
ĐB Nguyễn Sỹ Quang nhìn nhận, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có những bất cập của cơ chế chính sách, của việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ. Bên cạnh đó là việc công khai minh bạch để người dân hiểu chính sách và đối thoại với người dân còn hạn chế.
Theo ông, dự án nào thông báo rõ ràng, công khai minh bạch, giá cả sát giá thị trường, đối thoại giải quyết thì không có khiếu kiện. Ngược lại, cứ úp mở, lợi ích nhóm, áp đặt thông báo một chiều, không đối thoại thì dẫn tới khiếu kiện. Do vậy cần nâng cao tính công khai minh bạch, tăng cường đối thoại với người dân.
Liên quan đến tranh chấp ở các chung cư, ĐB Nguyễn Sỹ Quang nhận định thời gian tới sẽ tăng thêm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh trật tự. Trong quản lý nhà chung cư có nhiều vấn đề về thể chế, cần mạnh dạn kiến nghị để sửa đổi.
Trước đó, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM Lý Thanh Long cho biết, khiếu nại đông người hiện nay nhiều nhất là liên quan đến các tranh chấp ở chung cư - mảng “nóng” của sở. Những khiếu nại này có xu hướng tăng dần và liên quan tới nhiều nội dung, rất khó giải quyết.
Tìm nguyên nhân 8 vụ khiếu kiện đông người
Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Võ Trung Trực bày tỏ đồng tình với ĐB Nguyễn Sỹ Quang về việc phải làm rõ bản chất khiếu nại, tố cáo trong các vụ việc.
Ông cho biết, tới đây Sở sẽ tổ chức hội thảo phân tích đầy đủ nguyên nhân, giải pháp với 8 vụ việc khiếu nại đông người trên địa bàn TPHCM. Đó là các dự án: chỉnh trang đô thị Long Bình (quận 9 cũ); 1Bis-1Kep; đất công trình công cộng phường 6, quận Tân Bình; Safari Củ Chi; Đại học Quốc gia TPHCM; KĐTM Thủ Thiêm; Sing-Việt…
Trước đó, báo cáo trước đoàn giám sát, Chánh Thanh tra Sở TN-MT TPHCM Đặng Tuấn Khoa cho biết, trong thời gian kể trên, Sở tiếp 1.027 lượt công dân, tiếp nhận 2.737 đơn khiếu nại, tố cáo. Trong số 329 đơn khiếu nại đã giải quyết có 40 vụ giải quyết trong thời hạn, 289 vụ quá hạn. Sở nhận 13 đơn tố cáo, đã giải quyết 20 vụ trong đó 5 vụ giải quyết đúng hạn.
Ông Khoa đánh giá công tác hòa giải ở cấp cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, nhiều địa phương không bố trí cán bộ đủ năng lực đảm nhiệm công việc này nên việc hòa giải chưa hiệu quả. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tranh chấp đất đai còn mang nặng về mệnh lệnh hành chính, nhiều quyết định chưa thấu tình đạt lý.
Bên cạnh đó, việc thực hiện không triệt để các quy định của pháp luật đất đai ở các cấp làm cho hồ sơ địa chính không đồng bộ, sổ sách, bản đồ, tư liệu thiếu. Trước đây việc ban hành các văn bản về quy hoạch đất đai chậm, thiếu các văn bản về hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm dẫn đến công tác quản lý đất đai và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai gặp nhiều khó khăn.
Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TPHCM Bùi Thị Bích Tuyền cho biết trong thời gian báo cáo, văn phòng đăng ký cấp TP đã tiếp 2.000 lượt công dân, tại các Chi nhánh tiếp hơn 20.000 lượt. Số đơn khiếu nại, tố cáo tiếp nhận là hơn 6.400 đơn. Hiện Văn phòng đăng ký đất đai TPHCM chưa có phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ trong công tác quản lý tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bà kiến nghị, UBND các cấp tạo điều kiện cho hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai có trụ sở làm việc, lưu trữ hồ sơ nhà đất ổn định, vì loại hồ sơ này mang tính chất đặc biệt quan trọng. Đồng thời quan tâm đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, xây dựng hệ thống lưu trữ dữ liệu tập trung và thống nhất.