Thời tiết thuận lợi hơn
Những ngày này, tại vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau, những kênh trục chính vẫn còn nước, việc đi lại và vận chuyển hàng hóa không bị ảnh hưởng. Ông Lâm Việt Khởi (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) chia sẻ: “Năm nay, thời tiết có phần thuận lợi hơn năm ngoái. Lúa trúng mùa, hoa màu cũng phát triển tốt. Hiện các ao xung quanh nhà vẫn còn nước, nên tôi tận dụng để tưới tiêu cho cây trái. Còn nước dùng để ăn uống cơ bản đảm bảo, bởi được dự trữ trong các bồn, lu, hũ…”.
Từ tháng 3-2021, công trình hồ chứa nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở huyện An Minh (Kiên Giang), do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đầu tư được đưa vào sử dụng. Người dân 4 xã ven biển là Vân Khánh, Vân Khánh Đông, Vân Khánh Tây và Đông Hưng A không còn lo khát nước sạch, bởi công suất vận hành của công trình tới 125m3/giờ. Bà Nguyễn Thị Hoa (xã Vân Khánh, huyện An Minh) cho biết, khu vực này không khoan được nước nên hàng năm phải đổi nước ngọt sử dụng với giá cao. “Năm nay thì khác, đã có nước sạch sử dụng, dù đang vào cao điểm mùa khô nhưng mọi sinh hoạt và sản xuất vẫn bình thường”, bà Hoa phấn khởi.
Tại Tiền Giang, công trình đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành (huyện Châu Thành) đã đưa vào sử dụng góp phần đảm bảo nguồn nước cho 128.250ha đất sản xuất nông nghiệp và nguồn nước ngọt bổ cấp cho các Nhà máy Nước Đồng Tâm, Nhà máy Nước Bình Đức (Tiền Giang); Nhà máy Nước Nhị Thành (Long An), phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 1,1 triệu dân thuộc 2 tỉnh Tiền Giang và Long An...
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết, chúng tôi đang quản lý 20 trạm cấp nước tập trung, công suất thiết kế 16.760m3/ngày đêm. Ngoài ra, còn khoảng 200 trạm cấp nước do các UBND xã quản lý. Tất cả đang tập trung vận hành liên tục, cung cấp cho bà con trong suốt mùa khô. Mặt khác, tỉnh Cà Mau cũng lắp thêm vòi nước công cộng để cấp cho hộ dân bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. Đầu tư dụng cụ chứa nước đặt tại địa điểm đông dân, cung cấp cho những nơi chưa có công trình tập trung. Còn ở “vương quốc cây giống và hoa kiểng” Chợ Lách (Bến Tre), hầu như nhà nào cũng trang bị bồn chứa và túi nhựa trữ nước, nên đến nay nguồn nước ngọt khá dồi dào.
Chủ động thích ứng
Theo dự báo của Bộ NN-PTNT, trong mùa khô năm 2021 ở ĐBSCL có khoảng 79.700 hộ dân nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Trước tình hình trên, các ngành chức năng thực hiện nhiều giải pháp khắc phục. Điển hình như Bến Tre đã đầu tư thiết bị lọc nước nhiễm mặn RO cho 12 trạm cấp nước ở các huyện nhằm tạo đủ nguồn nước ngọt cung cấp cho người dân; lực lượng chức năng cũng dùng tàu chở nước ngọt dự trữ cho người dân 3 xã Tân Thủy, An Thủy, An Hòa Tây (huyện Ba Tri) vào những lúc cao điểm. Tỉnh Sóc Trăng mở rộng được 115km mạng lưới đường ống cấp nước cho khoảng 4.000 hộ dân và tiếp tục hoàn thiện thêm 604km đường ống cấp nước cho 22.400 hộ dân. Ở Kiên Giang cũng đầu tư mở rộng mạng lưới đường ống, nâng cấp công suất nhà máy nước cung cấp cho 9.000 hộ; đồng thời bố trí việc cấp nước di động (xe bồn, tàu...) trong thời gian hạn mặn lên cao. Tiền Giang lắp đặt 50 vòi nước công cộng, đảm bảo cấp nước bổ sung cho người dân trong thời điểm xâm nhập mặn cao…
Đối với sản xuất, Cục Trồng trọt cho biết, vụ đông xuân 2021 ở ĐBSCL chủ động giảm hơn 27.000ha ở những nơi khó khăn về nguồn nước; đồng thời áp dụng xuống giống sớm từ 20-30 ngày để né hạn mặn cuối vụ. Nhờ đó, đảm bảo thắng lợi khi sản lượng lúa toàn vùng ước đạt 10,7 triệu tấn, tăng 144.000 tấn.
Cũng trong mùa hạn mặn năm nay, nhiều nông dân ĐBSCL còn chuyển đổi gần 18.808ha đất sang trồng rau màu, hơn 4.133ha trồng cây ăn trái và 4.700ha nuôi trồng thủy sản… nhằm giảm áp lực nước tưới. Việc quy hoạch lại vùng sản xuất hợp lý, chuyển đổi cây trồng, chuyển vụ, cắt vụ… đã được chính quyền quan tâm và mang lại hiệu quả nhất định.
Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho hay, năm 2021, Tiền Giang chủ động gieo sạ đông xuân sớm nên đã thu hoạch vào đầu tháng 2, đồng thời cắt vụ thu đông ở nhiều nơi. Bên cạnh đó, thực hiện quan trắc kịp thời để đóng cống ngăn mặn bảo vệ sản xuất không bị ảnh hưởng.
Theo ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre), nếu như đợt hạn mặn năm ngoái khiến 8.500ha vườn cây ăn trái của huyện bị ảnh hưởng, trong đó có 2.300ha thiệt hại hoàn toàn. Riêng năm nay, mọi việc ứng phó được chủ động rất sớm từ nạo vét kênh mương, đầu tư tấm bạt, túi nhựa trữ nước ngọt… Ngành nông nghiệp còn cùng người dân chuyển đổi sản xuất phù hợp, như hạn chế cho cây ra trái vào mùa hạn mặn, sản xuất cây giống loại ngắn ngày… nhằm thích ứng với điều kiện hạn mặn. Với cách làm này, đến nay việc sản xuất diễn ra bình thường, nông dân không còn khốn khổ vì hạn mặn, thiếu nước như các năm trước.
“Huyện Chợ Lách nổi tiếng là vùng sản xuất hoa kiểng, cây giống và trồng cây ăn trái; nhiều loại rất mẫn cảm với nước mặn, trong khi hạn mặn ngày càng khó lường. Vì vậy, quan điểm chung là điều chỉnh sản xuất phù hợp để thích ứng trong tình hình mới, trước mắt đã đem lại những kết quả khích lệ để tiếp tục hoàn thiện các mô hình thích ứng trong thời gian tới…”, ông Liêm nói.