ĐBSCL: Khẩn cấp phòng, chống sạt lở đê biển, bờ bao

(ĐTTCO)-Ngày 21-7, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, UBND tỉnh vừa quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở đê biển Tây (đoạn từ bờ Nam cống Kênh Mới đến bờ Bắc cống Đá Bạc và Vàm Tiểu Dừa) thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh. 
ĐBSCL: Khẩn cấp phòng, chống sạt lở đê biển, bờ bao
Hiện có 5 vị trí sạt lở đê biển Tây thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh, với tổng chiều dài hơn 2.600m. Sạt lở có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe, nhà ở của nhiều người dân và các công trình đê điều, công trình phòng chống thiên tai.

UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các đơn vị liên quan có trách nhiệm huy động nguồn lực để ứng phó với tình huống khẩn cấp; huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để cứu hộ cứu nạn; tổ chức cấp cứu kịp thời người bị nạn; nhanh chóng sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm…

Báo cáo từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ cho biết, từ đầu năm đến giữa tháng 7-2022, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 22 đợt mưa lớn kèm theo dông lốc khiến 9 căn nhà bị sập, 38 căn nhà bị tốc mái, thiệt hại, 1 người bị sét đánh chết.

Bên cạnh đó, tình hình sạt lở cũng diễn biến ngày càng phức tạp, 6 tháng đầu năm đã ghi nhận 9 điểm sạt lở, làm sụp hoàn toàn 5 căn nhà, 16 căn bị sụp một phần. Ước tổng thiệt hại do sạt lở gây ra là hơn 2,67 tỷ đồng.

Còn tại Sóc Trăng, tính đến giữa tháng 7-2022, xảy ra sạt lở bờ bao, đê ở 55 đoạn (chiều dài hơn 3.140m), ước tổng thiệt hại hơn 40,3 tỷ đồng. Theo dự báo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng, tình hình sạt lở chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thời gian gần đây, nhiều điểm sạt lở liên tiếp xuất hiện, đặc biệt là các tuyến đê bao dọc 2 bờ sông Hậu, gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.

Các tin khác