Tại hội thảo, các chuyên gia đầu ngành về điều trị đột quỵ của các bệnh viện lớn trong cả nước như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, Bệnh viện 115… đã chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật chẩn đoán điều trị đột quỵ hàng năm đến các bác sĩ trong nước.
Theo tổ chức y tế thế giới, đột quỵ và thiếu máu cơ tim hiện nay là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế cao nhất trên toàn thế giới, đứng sau là bệnh ung thư. Hàng năm trên thế giới có hơn 15 triệu người bị đột quỵ, cứ mỗi 45 giây có 1 người bị đột quỵ, mỗi 3 phút có 1 người tử vong do đột quỵ. Trong 6 người bị đột quỵ trong điều kiện chăm sóc y tế tốt có 3 người may mắn chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, 1 người bị tử vong, 2 người bị tàn phế. Trong điều kiện chăm sóc y tế không tốt, tỷ lệ tử vong và tàn phế sẽ gia tăng cao hơn.
Ở Việt Nam hàng năm có hơn 200.000 trường hợp bị đột quỵ. Riêng ĐBSCL có khoảng hơn 10.000 trường hợp/năm, với tỷ lệ tử vong, tàn phế cao, có khuynh hướng gia tăng và trẻ hóa.
Theo TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TPHCM, Giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế Cần Thơ (SIS Cần Thơ): Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ là tâm huyết và nỗ lực không ngừng nghỉ của tất cả cán bộ công nhân viên bệnh viện và các chuyên gia là cố vấn chuyên môn trong và ngoài nước, cũng như các cơ quan truyền thông.
Với sự hỗ trợ tích cực của cơ quan nhà nước, chất lượng của bệnh viện được tạo nên từ quyết tâm của một tập thể cùng chung mục tiêu: Mở ra nhiều cơ hội cứu sống bệnh nhân đột quỵ và giảm thiểu tối đa số bệnh nhân bị trễ “thời gian vàng” cấp cứu khi phải lên tận TPHCM”.
Năm 2019, Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị nội, ngoại trú cho hơn 26.000 trường hợp. Riêng can thiệp cấp cứu đột quỵ khoảng 1.000 trường hợp nhưng có khoảng 10% trong số này đến kịp giờ vàng.
Số lượng bệnh nhân đột quỵ ngày một tăng lên, minh chứng trong 5 tháng đầu năm 2020, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị nội, ngoại trú cho gần 18.000 trường hợp. Can thiệp cấp cứu đột quỵ 589 trường hợp, trong số này có đến 72,8% trường hợp nhồi máu não, 27,2% xuất huyết não. Trong đó, số ca cấp cứu được đưa đến trong giờ vàng chiếm gần 22%, tăng 4% so với năm 2019.
Được biết Bệnh viện đa khoa quốc tế Cần Thơ đang vận động từ nhiều nguồn để sớm ra mắt “Quỹ từ thiện bệnh nhân nghèo bị đột quỵ khu vực ĐBSCL” có trụ sở tại bệnh viện. Hiện số lượng bệnh nhân đột quỵ ngày càng gia tăng, trong số đó bệnh nhân nghèo đột quỵ ngày càng nhiều.
Mặc dù, trong năm qua bệnh viện đã cố gắng mọi nguồn lực để hỗ trợ bệnh nhân nghèo, nhưng vẫn chưa đáp ứng hết. Chính vì vậy, Quỹ từ thiện ra đời nhằm mang lại nhiều cơ hội cứu sống cho nhiều hơn nữa bệnh nhân đột quỵ không đủ khả năng điều trị.