Để cây lúa mãi là 'hạt ngọc trời'

(ĐTTCO) - Đã từ rất lâu, không chỉ dân tộc ta mà nhiều dân tộc trên thế giới đều coi hạt lúa là “hạt ngọc trời” với sự quý trọng đặc biệt. 
Để cây lúa mãi là 'hạt ngọc trời'

Truyện cổ tích của người Việt kể rằng, nữ thần Lúa là một cô gái xinh đẹp, là con của Ngọc hoàng. Sau nhiều trận lụt lội, các sinh linh đều bị diệt hết, trời bèn cho những người còn sống sót sinh con đẻ cái trên mặt đất, và sai nữ thần Lúa xuống trần gian, nuôi sống loài người. Nữ thần làm phép cho những hạt giống gieo xuống đất nảy mầm, mọc thành cây, kết bông mẩy hạt.

Lúa chín tự về nhà không cần gặt. Cần ăn, cứ ngắt bông bỏ vào nồi là lúa sẽ thành cơm. Một hôm, cô con gái nhà kia đang bận việc nên chưa quét dọn sân, chưa mở cửa kho mà lúa đã ùn ùn kéo về. Cô gái đâm cáu, sẵn tay đang cầm cái chổi, cô đập vào đầu bông lúa mà mắng mỏ.

Nữ thần đang dẫn các bông lúa vào sân, thấy vậy nhất định không cho lúa bò về nữa. Từ đó, loài người phải xuống tận ruộng lấy từng bông. Và lúa cũng không tự biến thành cơm nữa, mà phải phơi phóng, xay giã cho ra gạo.

Người Việt là một trong những dân tộc sớm thuần hóa lúa nước, và là một trong những dân tộc phát triển hoạt động trồng lúa nước cách đây hàng ngàn năm. Lúa là lương thực chính của người Việt, dù bên cạnh đó còn một số loại lương thực khác như sắn (khoai mì), khoai lang, bắp...

Khoảng 50 năm trở về trước, hầu hết các vùng nông nghiệp của nước ta đều tập trung trồng lúa và sản lượng lúa ở từng địa phương, từng gia đình thường được coi là thước đo về sự khá giả của vùng đó. Chính vì vậy, dân gian đã đúc kết thứ bậc của các hạng người trong xã hội xưa: “Nhất sĩ nhì nông/Hết gạo chạy rong/Nhất nông nhì sĩ”. Tức là, dù có lúc “sĩ” (tức là trí thức) được đề cao, nhưng nông dân mới là lực lượng chủ lực và đóng vai trò quan trọng bậc nhất của xã hội.

Truyền thống của dân tộc ta vốn đã chế biến hạt lúa (đương nhiên trong đó có cả nếp) thành nhiều loại thực phẩm tùy theo điều kiện sống, khẩu vị, theo dịp, theo nhu cầu. Để nguyên hạt ta có cơm, cháo, xôi, bánh tét, bánh chưng, bánh ú, bánh dừa, bánh chuối nếp, một số loại chè; xay thành bột để chế biến thì có bún, phở, bánh canh, hủ tíu, mì, bánh đúc, bánh giò, bánh dày, bánh tráng, bánh bột lọc, bánh đa, bánh phồng, bánh ít, bánh bò, bánh lá, bánh xèo, bánh bèo, bánh ướt, bánh cuốn, bánh rán.

Nhiều món từ lúa và nếp của Việt Nam đã được nâng thành những thức ăn mang tính văn hóa và bản sắc của nước ta, đi vào kho tàng ẩm thực của nhân loại như phở, hủ tíu, bánh đúc, bánh giầy, bánh chưng, bánh tét.

Nghề trồng lúa vốn rất vất vả. Trước đây, khi trình độ sản xuất còn lạc hậu, người nội dung phải lệ thuộc vào thời tiết, vào con nước… và vào các yếu tố tự nhiên khác. Dân gian có câu: “Người ta đi cấy lấy công/Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề/Trông trời trông đất, trông mây/Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm”.

Việc gieo cấy cũng khá phức tạp với nhiều công đoạn, như gieo mạ, cấy, dặm, sau đó thu hoạch cũng rất vất vả với gặt (sau này mới cắt), đập, phơi… Đem được hạt lúa về nhà cũng phải xay, giã để ra gạo thì mới nấu ăn được. Việc trữ lúa (trong các bồ lúa) cũng không đơn giản, vì phải lo chuột khoét, ẩm mốc, ngập lụt. Ngay cả đã có gạo rồi thì không phải lúc nào cũng nấu ngay được mà còn phải sàng, sảy, nhặt thóc… để loại bỏ các hạt lúa chưa giã hết vỏ, các hạt đất, đá lẫn trong gạo, phải vo kỹ để loại đất bụi bám trên hạt gạo.

Hiện nay, với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, nghề trồng lúa đã được cải tiến rất nhiều. Với việc lai tạo ra nhiều giống lúa mới vừa ngắn ngày, vừa kháng sâu bệnh tốt, vừa có năng suất cao, lúa đã được nâng thành một loại hàng hóa chứ không còn chỉ để phục vụ riêng trong từng gia đình.

Bây giờ, một hộ sản xuất có thể nuôi sống hàng trăm hộ khác. Các công đoạn trồng lúa cũng đã được cơ giới hóa nên đạt hiệu quả rất cao. Hạt gạo đến tay người dùng gần như sạch tinh, đến độ một số người ngại vo gạo vì e làm mất những hạt cám giàu vitamin bám trên hạt gạo còn sót lại.

Tuy nhiên, với cách sản xuất hiện nay, nhiều người lo ngại hạt gạo còn dư lượng thuốc trừ sâu, phân hóa học kể cả lo ngại về ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nếu sử dụng giống được biến đổi gene.

Dù hiện đã có nhiều loại cây lương thực khác được sản xuất đan xen với cây lúa (như bắp, khoai mì, khoai lang, khoai tây, lúa mì), nhưng với Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới, cây lúa vẫn là cây lương thực rất quan trọng. Sản lượng lúa hàng năm của nước ta có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực trong nước và một số nước khác.

Do đó, việc quy hoạch vùng trồng lúa, định hướng về mặt sản lượng lúa từng thời kỳ, tính toán thị trường xuất khẩu có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất lúa hàng hóa của nước ta.

Hiện có sự trồi sụt của một số loại nông sản, thủy sản, có nơi người dân có xu hướng chuyển từ lúa sang sản xuất một số loại nông sản khác mà không gắn với quy hoạch cụ thể của địa phương, có thể ít nhiều ảnh hưởng đến sản lượng lúa trong nước, đến lượng lúa xuất khẩu. Bên cạnh đó, vấn đề năng suất và chất lượng lúa cũng cần quan tâm đầy đủ, với các giải pháp hợp lý cho từng địa phương, từng thời kỳ, từng thị trường.

Song song đó, trong việc tuyên truyền, giáo dục, cần quan tâm nhiều hơn đến việc tiết kiệm lương thực, trong đó phải thực sự quý trọng hơn hạt lúa, hạt gạo, vốn đã được xem là “hạt ngọc trời”. Hiện tượng lãng phí thức ăn đây đó vẫn khá phổ biến, cần được chấn chỉnh triệt để; thái độ ít tôn trọng người sản xuất lúa gạo cũng phải được khắc phục; tâm lý ít đề cao thành quả lao động trong quá trình làm ra hạt gạo ngày càng thể hiện rõ cũng cần điều chỉnh.

Do vậy, trong điều kiện đó, ở Việt Nam vẫn thực sự cần một chiến lược phù hợp về cây lúa để bảo đảm “hạt ngọc trời” luôn xứng đáng là hạt ngọc trong dân gian.

Các tin khác