Đề nghị quyền khởi kiện và được bồi thường
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu và căn cứ tình hình thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp: người bị thanh, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của tòa án; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG
Tuy nhiên đóng góp cho quy định này, theo đại biểu Y Nhàn (Kon Tum), những người có hành vi tham nhũng, khi bị thanh, kiểm tra hay bỏ trốn, gây khó khăn quá trình này cũng như khi chuyển sang xử lý hình sự. Vì vậy, để phòng ngừa bỏ trốn, sau khi thanh, kiểm tra và chuyển sang xử lý hình sự thì cần quy định là nếu xét thấy các vi phạm, có dấu hiệu bỏ trốn mà ở mức cần phải ngăn chặn thì ra lệnh tạm hoãn xuất cảnh ngay, không cần phải là hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng như quy định của dự thảo.
Cũng liên quan quy định cấm, hoãn xuất cảnh, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nêu quan điểm, tự do xuất nhập cảnh là quyền thiêng liêng của con người. Dự thảo lần này đã có quy định về quyền khiếu nại, tố cáo nếu quyết định cấm hoặc tạm hoãn xuất cảnh là sai trái. Tuy nhiên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, quy định như vậy chưa đủ, mà đề nghị cần phải bổ sung thêm cả quy định công dân còn có cả quyền khởi kiện đối với quyết định cấm hoặc tạm hoãn xuất cảnh sai trái. Bởi lẽ, tạm hoãn xuất cảnh là vấn đề nhạy cảm, liên quan nhiều thứ, vì có nhiều lý do để người ta xuất cảnh như: đi sinh nhật con cái, đi làm ăn, chữa bệnh, ký kết hợp đồng… ở nước ngoài.
Tuy nhiên hiện nay cách làm của chúng ta nhiều lúc vẫn chưa thống nhất, hợp lý. “Gần đây có những trường hợp đáng lẽ ngăn chặn (hoãn xuất cảnh) thì lại không ngăn chặn được” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu và bày tỏ sự băn khoăn về căn cứ để ra quyết định hoãn là do ai? Đó là quyết định tư pháp hay hành chính? Và, nếu quyết định mà sai thì công dân sẽ khởi kiện bằng hành vi tư pháp hoặc hành chính nào? Từ đó, đại biểu đề nghị, nếu là quyết định hành chính sai thì người bị ảnh hưởng có quyền khởi kiện hành chính, giống như khởi kiện hành chính về thuế, hải quan… hiện nay.
Chung quan điểm, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cũng đề nghị bổ sung nội dung công dân có quyền khởi kiện và cả “yêu cầu bồi thường thiệt hại do những người làm thủ tục xuất nhập cảnh gây ra”. Còn đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) băn khoăn với câu hỏi: “Cần xem lại quy định các trường hợp tạm hoãn của dự thảo luật này có phù hợp với các luật khác hiện nay không?”.
Mở rộng diện được tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ
Trước đó, sáng 28-10, một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Dân quân tự vệ hiện hành, dự thảo đã mở rộng diện đối tượng được tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ để tương thích với một số đối tượng được tạm hoãn, miễn tại Luật Nghĩa vụ quân sự, nhằm cụ thể hóa chính sách ưu đãi đối với gia đình người có công với cách mạng, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn..., tạo điều kiện cho công dân học tập, phát triển kinh tế gia đình, ổn định đời sống. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định như vậy là phù hợp, không ảnh hưởng đến việc tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, vì nhu cầu tổ chức dân quân tự vệ chỉ chiếm khoảng 3,5% so với tổng số công dân trong độ tuổi.
Về trường hợp trong gia đình có nhiều người trong độ tuổi, người trong hộ cận nghèo; quân nhân phục viên, xuất ngũ chuyển ngành chưa xếp vào đơn vị dự bị động viên không thuộc diện chính sách ưu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu tạm hoãn, miễn cho họ sẽ không bảo đảm công bằng về quyền và nghĩa vụ của công dân. Mặt khác, hàng năm, thời gian huy động dân quân tự vệ để thực hiện nhiệm vụ không nhiều (trung bình từ 20 đến 30 ngày) nên không ảnh hưởng nhiều đến gia đình của dân quân tự vệ.
Thủ tướng và 4 bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn ANH THƯ |