Chiều 18/1, nêu ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện tháng 12/2021 của Quốc hội tại phiên họp thứ 7 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, hiện nổi lên tình trạng mỗi địa phương lại có quy định khác nhau về việc đón người dân các tỉnh về quê ăn Tết Nguyên đán. Những quy định này đều khác với quy định trong Nghị quyết 128 của Chính phủ đã ban hành.
Theo ông Tùng, quy định của Chính phủ nói rất rõ, yêu cầu thực hiện thống nhất cho những người tiêm đủ vaccine, người tiêm 1 mũi vaccine, người chưa tiêm vaccine. Trên thực tế, việc thực hiện ở mỗi địa phương lại khác nhau, mỗi nơi quy định một kiểu mà không nơi nào thống nhất giống nơi nào.
Ông Tùng nêu dẫn chứng, có địa phương quy định không cần biết người dân tiêm mấy mũi vaccine nhưng cứ về từ vùng cam, vùng đỏ là cách ly 7 ngày, có nơi 14 ngày, có nơi yêu cầu xét nghiệm 3-4 lần.
"Có nơi như Thanh Hoá còn khoá cổng nhà hàng chục hộ dân. Tương tự tại Thái Bình, trưởng thôn tích cực quá còn khoá 7 ngày gia đình có người cách ly mà không quan tâm họ sinh sống thế nào. Sau đó, gia đình họ phải nhờ hàng xóm đến mua thực phẩm, mua thức ăn”, ông Tùng nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết, các địa phương rất lo lắng cho công tác phòng chống dịch COVID-19 để tránh lây lan. Tuy nhiên, hiện nay các biện pháp thực hiện lại hơi quá so với quy định của Chính phủ. Điều này gây ra không khí e ngại cho người dân chuẩn bị về quê ăn Tết.
Ngày 17/1, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị cách tỉnh, thành chấn chỉnh việc cách ly người về quê ăn Tết kiểu "mỗi nơi một phách", gây khó khăn cho người dân. Do đó, ông Tùng cũng đề nghị Chính phủ quan tâm hơn để chỉ đạo bởi hiện đã sát Tết nên vấn đề này người dân rất quan tâm.
Cũng liên quan đến nội dung này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, ở khu vực Tây Bắc khi ông đi thăm, tặng quà thì thấy ở một số địa phương, thậm chí từ bản này sang bản kia cũng có barie. Điều này khiến cho nhóm lao động phi chính thức, kể cả lao động có hợp đồng quay trở về địa phương rất sớm.
Những người này chọn giải pháp về quê sớm để cách ly tại nhà 7 ngày mới kịp ăn Tết, nếu không sẽ không kịp thời gian.
"Đây là thực tiễn đặt ra và phải có những phản ánh để Chính phủ có những chỉ đạo tổng thể", ông Y Thanh Hà Niê Kđăm.
Theo ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, những lao động là người miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đã về khá nhiều vì quy định của địa phương. Vì những quy định này, họ sẵn sàng không nhận lương Tết, thưởng Tết để về ăn Tết theo phong tục của địa phương.
Trình bày báo cáo công tác dân nguyện tháng 12 của Quốc hội trước đó, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho rằng, hiện nay, Tết Nguyên đán cận kề, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố cần có giải pháp để hỗ trợ công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp về quê đón Tết an toàn.
Cho ý kiến về việc này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, qua theo dõi cho thấy, việc ứng xử của các tỉnh thành với người dân về đón Tết được thông tin truyền thông khác nhau. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội xem xét việc ứng xử khác nhau này của các địa phương.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là việc cấp bách, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm để giải quyết.