Đề nghị làm rõ vấn đề xử lý tài sản sau sáp nhập

(ĐTTCO) - Ngày 14-2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Quốc hội thảo luận ngày 14-2. Ảnh: VIẾT CHUNG
Quốc hội thảo luận ngày 14-2. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội (ĐB) Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề cập quy định về hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án trong dự án. Theo ĐB, đây là vấn đề “hết sức tế nhị”, liên quan quyền con người, liên quan công tác tố tụng, bắt giam, tạm giữ, tạm giam… trong thời điểm các cơ quan hợp nhất, sáp nhập, giải thể.

"Dự thảo nghị quyết cho phép kế thừa để tổ chức thực hiện theo quy trình hoạt động tố tụng là vấn đề hết sức quan trọng. Tuy nhiên cần thận trọng, khách quan, công tâm, vô tư, phát huy tính dân chủ, để quyền con người không bị ảnh hưởng", ĐB Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

ĐB Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế). Ảnh: VIẾT CHUNG

Đồng tình với hiệu lực thi hành của nghị quyết từ ngày 1-3, nhưng ĐB Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) cho rằng, lực lượng công an đang thực hiện giải thể công an cấp huyện. Trong khi, theo quy định về pháp luật hình sự, đây là cơ quan trực tiếp, đầu tiên thực hiện các hoạt động tố tụng.

Như vậy, nếu nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-3 thì thời gian rất ngắn để các cơ quan viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân thực hiện những công việc tiếp theo, khó có sự điều chỉnh phù hợp. Đối chiếu với hiệu lực nghị quyết, ĐB đề nghị cần có cơ chế đặc thù để phục vụ hoạt động tố tụng.

ĐB Trần Nhật Minh (Nghệ An) cũng đề nghị quy định nghị quyết này có hiệu lực thi hành ngay từ khi Quốc hội thông qua để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan từ Trung ương đến địa phương thực hiện việc sắp xếp và chuyển giao chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, sẵn sàng đi vào hoạt động ngay từ thời điểm có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Điều này nhằm tránh việc các văn bản của Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 của Chính phủ về bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện phải chờ nghị quyết của Quốc hội.

ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM). Ảnh: VIẾT CHUNG

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) quan tâm đến vấn đề xử lý tài sản sau sáp nhập. Theo ĐB, trước đây đã sáp nhập cơ quan hành chính ở xã, huyện và đã có những vấn đề vướng mắc. Trong khi đó, lần này thực hiện sáp nhập với quy mô rất lớn, số lượng tài sản rất lớn. Hiện nay đã có các nghị định về xử lý tài sản sau sáp nhập, tuy nhiên vẫn chưa đủ bao quát hết.

“Sau khi sáp nhập sẽ có những phát sinh, ví dụ trong trường hợp cơ quan chức năng phát hiện có những vấn đề vi phạm hay chậm thời gian, đội vốn kéo dài buộc phải xử lý thì trách nhiệm dừng ở đâu và đặt ra như thế nào. Cần phải tính toán để đảm bảo tài sản được xử lý hợp lý và rõ trách nhiệm”, ĐB Nguyễn Minh Đức phát biểu.

Mặt khác, theo ĐB Nguyễn Minh Đức, vấn đề con người bị tác động sau sáp nhập cũng cần tính toán kỹ. Hiện nay chúng ta có Nghị định 177, 178 và Thông tư 01 năm 2025 giải quyết chế độ cho những người có nguyện vọng về hưu sớm để thực hiện tinh gọn. Nhưng còn một bộ phận là những người lao động trong các cơ quan chịu sự sáp nhập và chịu sự kết thúc mà không đủ các điều kiện thỏa mãn trong Nghị định 177, 178, cũng như Thông tư 01, do đó cần có một điều khoản đề cập đến quyền của những người này để thể hiện rõ tính bao quát trong Nghị quyết của Quốc hội.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, nghị quyết này chỉ đưa ra những nguyên tắc chung để xử lý vấn đề khi sắp xếp tổ chức bộ máy và tên gọi cũng đã bao hàm phạm vi điều chỉnh của nghị quyết là một số vấn đề. Còn những vấn đề đã có quy định của văn bản quy phạm pháp luật; đã rõ, đã xử lý, không có vướng mắc thì chúng ta tiếp tục thực hiện; ví dụ về tài chính, tài sản; về chế độ chính sách của cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ trưởng cho biết, để dự liệu các tình huống phát sinh, dự thảo nghị quyết đã quy định nguyên tắc để giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó có một cơ chế đặc biệt là Quốc hội cho phép Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân tối cao xem xét, ban hành giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Đồng thời, cũng cho phép các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản bằng hình thức văn bản hành chính để hướng dẫn giải quyết vấn đề phát sinh. Đây là quy định trong một điều kiện rất đặc biệt của đất nước để bảo đảm xử lý kịp thời, nhanh chóng những vấn đề phát sinh và mục đích cao nhất là quy định đặt ra phải bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Về thời điểm có hiệu lực, tiếp thu ý kiến của ĐB, cơ quan soạn thảo sẽ điều chỉnh lại để nghị quyết có hiệu lực ngay khi Quốc hội thông qua.

Các tin khác