Đề nghị Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ

(ĐTTCO) – Ngày 14-3, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo thường kỳ tháng 3.

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc mới đây bất ngờ công bố Đường cơ sở mới trên Vịnh Bắc Bộ, người phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết, việc công bố mà không có sự bàn bạc, trao đổi với Việt Nam là hành động tùy tiện, sai trái, bởi nó không tuân thủ Công ước quốc tế về luật biển và không có giá trị pháp lý.

z5248545154431-0fee5288e15de96e2ff552450b14fa88-5007.jpg
Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao tháng 3-2024. Ảnh: Quang Phúc

“Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia tiếp giáp vịnh Bắc Bộ. Ngày 25-12-2000, hai nước đã ký kết Hiệp định về phân định Vịnh Bắc Bộ và hiệp định này đã có hiệu lực vào ngày 30-6-2004, xác định ranh giới lãnh hải và thềm lục địa của mỗi nước trong khu vực Vịnh Bắc Bộ. Việt Nam cho rằng các quốc gia ven biển cần tuân thủ Luật biển khi xác định cơ sở tính đường ven biển phù hợp với UNCLOS 1982”, người phát ngôn Phạm Thu Hằng nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định, việc Trung Quốc công bố Đường cơ sở mới mà không có sự bàn bạc, trao đổi với Việt Nam là hành động tùy tiện, không tuân thủ Công ước quốc tế về luật biển và không có giá trị pháp lý.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: “Đề nghị Trung Quốc tôn trọng Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 khi xác định đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác, bao gồm quyền tự do hàng hải, quyền quá cảnh qua các eo biển quốc tế và phù hợp với công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục trao đổi quan điểm với Trung Quốc về vấn đề này trên cơ sở chia sẻ, thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Đồng thời, Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc tôn trọng những ký kết giữa hai bên và tuân thủ Công ước UNCLOS 1982 của Liên Hợp quốc.

Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi báo chí về công tác bảo hộ công dân Việt Nam bị bắt do đánh bài bất hợp pháp tại Campuchia và Thái Lan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, có hơn 100 công dân Việt Nam trong đường dây lừa đảo và đánh bạc tại Campuchia đã bị nước này trục xuất. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville (Campuchia) phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước đã tiến hành thủ tục lãnh sự tiếp nhận các công dân này qua cửa khẩu Prek Chak - Hà Tiên.

Liên quan đến việc 18 công dân Việt Nam bị nhà chức trách Thái Lan bắt giữ, phía Việt Nam đã liên hệ với cơ quan chức năng sở tại để tìm hiểu thông tin và xác minh nhân thân của những người này. Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, 18 công dân này đã bị bắt giữ do hành vi tham gia tổ chức trò chơi lừa đảo, giúp quảng cáo mời gọi trực tiếp hoặc gián tiếp các công dân khác đánh bạc thông qua các phương điện tử mà không được cơ quan chức năng cho phép. Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình nhằm đảm bảo quyền hợp pháp của công dân Việt Nam tại Thái Lan.

Từ những vụ việc trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khuyến cáo, các công dân Việt Nam cần tỉnh táo trước lời mời “việc nhẹ lương cao” mà không thông qua ký kết hợp đồng. Đồng thời, cần tìm hiểu kỹ hơn về đơn vị làm việc, chế độ bảo hiểm, quyền lợi được hưởng cũng như cơ quan phái cử lao động trước khi đưa ra quyết định đúng đắn khi làm việc tại nước ngoài.

Các tin khác