Để tiền hỗ trợ không “đi lạc”

(ĐTTCO) - Nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, từ tháng 4 Chính phủ đã tung ra gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Đây là gói an sinh xã hội lớn chưa từng có trong tiền lệ. 
Theo đó, sẽ có khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng khác nhau được nhận hỗ trợ này. Gói an sinh xã hội của Chính phủ đã đáp ứng được sự mong mỏi của hàng triệu người dân. Người xưa có câu "Chén cơm cho người nghèo lúc khốn khó quý hơn ngàn lần những luận bàn cao siêu". Do vậy, việc ban hành các chính sách để hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, người lao động mất việc làm... có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc bảo đảm an sinh, góp phần giữ vững ổn định xã hội.
Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, những ngày gần đây hàng triệu người dân vui mừng khi được trao tận tay tiền hỗ trợ. Được biết, đến nay đã có 63/63 địa phương triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội đến người dân; 40/63 tỉnh, thành đã chi tiền trên 20.000 tỷ đồng, trong đó 4 đối tượng cơ bản là người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo và cận nghèo đã nhận được tiền hỗ trợ; giải ngân 12.400 tỷ đồng và cơ bản đến ngày 15-5 chi trả hỗ trợ xong 4 đối tượng này. 
Mục tiêu của chính sách an sinh xã hội nhằm ổn định kinh tế xã hội; giúp những người yếu thế, người thu nhập thấp, thu nhập bấp bênh có thể hòa nhập được với xã hội và để tất cả tầng lớp trong xã hội đều có thể cùng nhau phát triển. Việc Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ tiền mặt cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là hành động hết sức thiết thực và nhân văn. Tuy trị giá gói hỗ trợ này chỉ chiếm 1% GDP, nhưng đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, ngân sách nhà nước đang vô cùng eo hẹp và phải chi rất nhiều cho công tác kiểm soát dịch bệnh cũng như ổn định nền kinh tế. 
Chính vì thế, điều dư luận băn khoăn hiện nay là với nguồn kinh phí lớn, chi cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau, làm sao để tiền hỗ trợ được chi đúng đối tượng? Bởi lẽ, thực tế việc triển khai chính sách trên đã xảy ra không ít chuyện buồn. Đó là tình trạng tiền hỗ trợ Covid-19 đáng ra đi vào hộ nghèo, cận nghèo lại “lạc” vào nhà khá giả, mà nhiều người ví von “là những gia đình có nhà to cận… hộ nghèo”. Hoặc có trường hợp người gặp khó khăn khi nhận tiền hỗ trợ được gợi ý lại quả tiền “uống nước” cho trưởng thôn. Thậm chí, có địa phương đưa cả người đã chết, người đi tù vào danh sách được nhận tiền hỗ trợ.
Đối tượng hưởng gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng đa dạng nên việc xác định đúng đối tượng là công việc khá phức tạp. Tuy nhiên, TPHCM đã triển khai thực hiện rất tốt việc này. Hiện đã có gần 21.000 người bán vé số, hộ nghèo nhận được hỗ trợ 750.000 đồng/người. Danh sách các đối tượng này được hơn 320 phường, xã gửi lên với tên, tuổi, địa chỉ cụ thể và được liên thông với 24 quận, huyện. Việc trao tiền hỗ trợ được giám sát bởi tổ chức Mặt trận ấp, khu phố, tổ dân phố nhằm hạn chế thấp nhất sai sót và trục lợi.
Tính công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ đã giúp chúng ta kiềm chế được dịch Covid-19. Tuy nhiên để gói hỗ trợ phát huy hiệu quả và không đi “lạc đường” cũng đòi hỏi tính công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ và sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội cùng hệ thống chính quyền các cấp, tổ dân phố và sự giám sát của các tầng lớp nhân dân. Bởi theo chúng tôi điều quan trọng nhất chính là yếu tố con người, chính sách có tốt đến đâu, nhân văn đến đâu nhưng thành bại nhờ chính con người. Vì vậy cần phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đội ngũ nhân sự có năng lực, có trách nhiệm. 
Có như vậy gói hỗ trợ án sinh xã hội 62.000 tỷ đồng mới thực sự đến đúng người, đúng lúc và trở nên có ý nghĩa, thể hiện sự tương thân tương ái, sự hỗ trợ thiết thực của Nhà nước với nhân dân.

Các tin khác