Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa trình ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt đề án rà soát, bố trí hợp lý các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển kết nối các loại hình vận tải hành khách công cộng, các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân.
Cụ thể, giai đoạn 2022-2025, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất bổ sung từ 2.500-2.700 điểm dừng xe buýt, tăng mức độ bao phủ của hạ tầng xe buýt (nâng tổng số điểm dừng xe buýt lên khoảng 6.500 điểm, tăng từ 65-70% so với hiện nay), bố trí lại điểm dừng xe buýt tiếp cận gần các khu dân cư phù hợp với cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông và kế hoạch phát triển mạng lưới tuyến xe buýt để tăng mức độ bao phủ của hạ tầng xe buýt.
Hà Nội cũng tính toán rút ngắn cự ly giữa các điểm dừng liền kề trong khu vực đô thị trong khoảng 300-600m, khu vực khác điểm dừng xe buýt được ưu tiên bố trí gần khu dân cư, tiếp cận gần đường, ngõ kết nối vào thôn, xóm; bố trí điểm dừng xe buýt theo hướng tích hợp tiếp cận gần các nhà ga đường sắt đô thị, điểm trông giữ phương tiện cá nhân đảm bảo cự ly trung chuyển giữa các loại hình dưới 200m.
Nhằm kết nối hạ tầng xe buýt với phương tiện cá nhân, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất tổ chức 53 điểm Park & Ride ((bãi đỗ xe và trông giữ xe) để người dân có thể gửi phương tiện cá nhân trung chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận phương tiện xe buýt của người dân nằm ngoài phạm vi đi bộ hợp lý hoặc đáp ứng nhu cầu sử dụng xe buýt của người dân khi tới các khu vực hạn chế hoạt động của xe máy, khu vực thu phí phương tiện cơ giới…
Dự kiến kinh phí thực hiện đề án trong giai đoạn 2022-2025 lên tới hơn 357 tỷ đồng, trong đó có hơn 48 tỷ đồng vốn ngân sách thành phố và hơn 309 tỷ đồng nguồn xã hội hóa.