Ngày 25-10, trên cơ sở Tờ trình của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM (24-10) và kiến nghị của Sở Công thương, UBND TPHCM đang có dự thảo Quyết định về Ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 với cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn.
Theo đó, nếu nội dung dự thảo được thông qua, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở TPHCM được hoạt động, nhưng phải đảm bảo 6 tiêu chí sau:
1. Cơ sở phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và có đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/.
2. Đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm tại cơ sở phải thực hiện đúng theo quy định (về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người…)
3. Các cơ sở phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế; bố trí khu vực giao – nhận sản phẩm; trang bị đầy đủ nước rửa tay, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay và có phương tiện làm khô tay hoặc khăn làm khô tay sử dụng 1 lần.
4. Người lao động, người đến cơ sở (người giao hận hàng, khách hàng, người liên hệ cơ sở…) phải tuân thủ nguyên tắc 5K, phải thực hiện quét mã QR và thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 (khai báo y tế, tiêm ngừa vaccine, thực hiện xét nghiệm và có kết quả âm tính…).
5. Tùy vào cấp độ dịch tại nơi kinh doanh, cơ sở thực hiện hạn chế số lượng người bán, mua thực phẩm cùng một thời điểm theo hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng chống dịch.
6. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ: không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ trong không gian kín; không bán rượu, bia. Khách ăn, uống tại chỗ phải đảm bảo thực hiện đúng theo hướng dẫn ngành y tế trong phòng chống dịch Covid-19.
Dự thảo này có khác với nội dung của Sở Công thương TP kiến nghị trước đó là không bắt buộc quy định số người được đến cơ sở kinh doanh trong một thời điểm. Thay vào đó đưa ra tiêu chí tùy vào cấp độ dịch nơi kinh doanh, cơ sở thực hiện hạn chế số người bán, người mua thực phẩm cùng một thời điểm sẽ theo hướng dẫn của ngành y tế. Đồng thời, dự thảo không quy định cụ thể giãn cách 2m và thời gian hoạt động nhưng quy định người lao động, người đến cơ sở (giao nhận hàng, khách hàng…) phải tuân thủ nguyên tắc 5K, quét mã QR và thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế trong phòng, chống dịch Covid-19. Các cơ sở cũng phải có kế hoạch và tự chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế.
Ghi nhận nhanh sau khi nhận được thông tin về các nội dung dự thảo nêu trên, một số chủ hàng quán bình dân như: Phở, cơm tấm, hủ tiếu… tỏ ra khá phấn khởi. Bởi theo lý giải của những chủ quán này, dẫu sao cũng được bán tại chỗ, dù hạn chế lượng khách, nhưng sẽ thuận lợi khi kết hợp bán mang về. “Một người đi tập thể dục buổi sáng xong có thể cùng người bạn vào quán chúng tôi ăn sáng. Sau đó, họ có thể cùng mua phở mang về cho gia đình mình ăn tại nhà. Chưa kể, đầu tháng đến nay quán chúng tôi đã mở bán mang về, giờ có khách ăn tại chỗ thì số lượng sẽ tăng lên, nhưng cũng nhiêu đó người làm”, anh Nguyễn Văn Hùng, chủ một quán phở trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) chia sẻ.
Trong khi đó, đối với những nhà hàng có quy mô lớn tỏ e ngại, đặc biệt mấy ngày qua đã cho nhân viên dọn dẹp nhà hàng, sẵn sàng đón nhân viên trở lại làm việc. Theo ý kiến của các chủ nhà hàng lớn, tiêu chí 4 như dự thảo đề xuất sẽ khó có khách đến nhà hàng, bởi những điều kiện “cứng” như quét mã QR, khai báo y tế, có kết quả xét nghiệm âm tính… Còn tiêu chí 5 quá chung chung. Hay với tiêu chí 6, cho sử dụng phòng riêng nhưng không sử dụng máy lạnh thì khách không thể ngồi được, vì hiện nay không phải nhà hàng nào cũng có ngoài trời, thông thoáng. Mặt khác, nhà hàng phải bán thêm rượu bia.
“Nói chung, bộ tiêu chí đề xuất như vậy gây khó cho loại hình dịch vụ ăn uống như nhà hàng chúng tôi, khó áp dụng được", ông Nguyễn Ngọc Anh, một chủ nhà hàng trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) nói.