Bộ Tài chính dự đoán trong năm 2024, thị trường ôtô và toàn nền kinh tế đối mặt với tác động tiêu cực do khủng hoảng kinh tế, xung đột địa chính trị. Do vậy, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp, sẽ không đủ duy trì sản lượng và doanh số bán hàng, tạo sức bật giúp thị trường tăng trưởng bền vững và đồng đều.
Từ thực tế trên, Bộ Tài chính cho rằng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước là cần thiết. Bộ Tài chính đề nghị lùi thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 sang muộn nhất vào 20-11.
Theo Bộ Tài chính, việc đề xuất thống nhất thời gian gia hạn là ngày 20-11 là để tránh dồn các khoản phải nộp cho doanh nghiệp vào cuối năm và tránh ảnh hưởng đến việc hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính.
Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh đây là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay và cho phép Nghị định có hiệu lực từ ngày ký cho đến hết ngày 31-12.
Đánh giá về tác động của chính sách đến ngân sách, Bộ Tài chính cho biết, dự kiến số thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước bình quân 1 tháng phát sinh trong các tháng tiếp theo năm 2024 là khoảng 2.140 tỷ đồng. Tổng số thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn trong 4 kỳ tính thuế như phương án đề xuất là khoảng 8.560 tỷ đồng.
Do thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 20-11 nên không ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024.
Đối với tác động về thực hiện cam kết quốc tế, Bộ Tài chính cho rằng việc áp dụng gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước không phải là giải pháp ưu đãi về thuế, không vi phạm các quy định về trợ cấp, do đó, ít có quan ngại từ phía doanh nghiệp nhập khẩu ôtô.