Đây là đề xuất trong phương án khôi phục các đường bay quốc tế vừa được Cục Hàng không Việt Nam (Cục Hàng không Việt Nam) trình Bộ Giao thông Vận tải. Đây là các chuyến bay thương mại, không giới hạn các nhóm khách nhưng khách phải được kiểm dịch y tế trước khi nhập cảnh.
Tần suất bay hạn chế
Với đường bay Trung Quốc, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở lại đường bay TP.HCM - Quảng Châu với tần suất 1 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên. Trong đó, phía VN chỉ định Vietnam Airlines và Pacific Airlines khai thác linh hoạt bằng máy bay B787 với 343 ghế. Phía Trung Quốc chỉ định 1 hãng hàng không khai thác bằng máy bay A320, tối đa 200 ghế. Như vậy, số lượng khách cách ly tại TP.HCM tối đa 540 khách/tuần.
Với đường bay Nhật Bản, trong điều kiện nhu cầu kết nối Nhật Bản với 2 đầu Hà Nội và TP.HCM là tương đồng, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất nối lại đường bay Hà Nội - Tokyo với tần suất 1 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên và TP.HCM - Tokyo với tần suất 1 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên.
Phía VN chỉ định Vietnam Airlines/Pacific Airlines phối hợp khai thác linh hoạt đường bay Hà Nội - Tokyo bằng máy bay B787 (343 ghế) vào thứ ba hằng tuần. Vietjet Air khai thác đường bay TP.HCM - Tokyo bằng máy bay A321 (240 ghế) vào thứ ba hằng tuần. Nhật Bản chỉ định Japan Airlines khai thác chặng Tokyo - TP.HCM và All Nippon Airways chặng Tokyo - Hà Nội. Số lượng cách ly tối đa tại Hà Nội và TP.HCM là 560 khách/tuần.
Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Vietnam Airlines/Pacific Airlines khai thác đường bay Hà Nội - Seoul (Hàn Quốc) với tần suất 1 chuyến/tuần bằng máy bay B787. Vietjet khai thác đường bay TP.HCM - Seoul bằng máy bay A321. Số lượng cách ly tối đa tại Hà Nội và TP.HCM là 650 khách/tuần. Phía Hàn Quốc đề xuất Korean Airlines chặng Seoul - TP.HCM và Asiana Airlines chặng Seoul - Hà Nội.
Đường bay đến Đài Bắc (Đài Loan) cũng sẽ do Vietnam Airlines/Pacific Airlines khai thác đầu TP.HCM bằng máy bay B787 và Vietjet khai thác đầu Hà Nội bằng máy bay A320. Dự kiến số lượng khách cách ly tối đa tại Hà Nội là 620 khách/tuần, tại TP.HCM là 700 khách/tuần.
Hãng bay China Airlines và Eva Air được Đài Loan chỉ định bay từ Đài Bắc đến Hà Nội và TP.HCM. Đường bay đến Lào và Campuchia cũng được Cục Hàng không Việt Nam đề xuất nối lại với tần suất 1 tuần/chuyến, do Vietnam Airlines khai thác.
Theo các chuyên gia, đường bay quốc tế mở cửa trở lại là cách "cứu vãn" ngành hàng không khôi phục du lịch, thông thương hàng hóa để phục hồi nền kinh tế. Tại châu Á, Singapore tiên phong mở đường bay đi một số nước từ đầu tháng 9. Trong thực tế, Thái Lan, Nhật Bản và Hong Kong cũng đã kêu gọi nối lại các đường bay quốc tế để cứu hàng không, giao thương hàng hóa...
TS Bùi Doãn Nề - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam - cho rằng khi từng bước mở cửa bay lại quốc tế, các hãng bay duy trì hoạt động, có doanh thu để giảm bớt căng thẳng dòng tiền đang suy kiệt sau nhiều tháng máy bay "nằm đất".
Với kế hoạch khai thác được Cục Hàng không Việt Nam xây dựng, dự kiến số lượng hành khách nhập cảnh hằng tuần vào khoảng 5.000 khách cho cả Hà Nội và TP.HCM. Theo ông Đặng Anh Tuấn - trưởng ban truyền thông thương hiệu của Vietnam Airlines, với các thị trường này, Vietnam Airlines đều có tổ chuyên trách. Khi được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền, hãng sẽ lên lịch bay chính thức, mở hệ thống bán vé để bay ngay.
Cũng theo ông Tuấn, ngay sau khi có quyết định chính thức của Chính phủ, Vietnam Airlines có thể triển khai khai thác ngay, chấp nhận thời gian đầu không đầy khách. Đây không chỉ là vấn đề kinh doanh mà cả vấn đề ngoại giao. Giai đoạn đầu mở đường bay quốc tế, hành khách còn phải đáp ứng nhiều thủ tục về phòng dịch, phải cách ly sau khi nhập cảnh nên có thể giai đoạn đầu hành khách còn ít.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 3-9, một lãnh đạo Công ty CP dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất đánh giá việc khôi phục đường bay quốc tế là tín hiệu vui với ngành hàng không. Tuy nhiên, vị này cho biết vẫn chưa sẵn sàng "bung" lại các quầy dịch vụ, phòng chờ ở ga quốc tế Tân Sơn Nhất để phục vụ khách quốc tế, vì nhu cầu quá thấp.
"Với những chuyến bay mà các hãng hàng không có hợp đồng, chúng tôi mở một quầy bán hàng phục vụ nhu yếu phẩm thiết yếu và phòng chờ để phục vụ với số lượng khiêm tốn" - vị này nói. Đại diện một hãng hàng không cũng cho biết các phương án trên vẫn đang chờ quyết định cuối cùng để "chốt" phương án bay, vận chuyển hành khách phù hợp dựa trên năng lực cách ly của địa phương.
"Đây là những chuyến bay thương mại nhưng phải chờ phương án nhập cảnh như thế nào để đảm bảo an toàn. Thời gian đầu sẽ vắng khách đi lại, khách chủ yếu có công việc cần di chuyển" - vị này nói.
Để có thể triển khai kế hoạch khai thác thường lệ nêu trên, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Y tế công bố các yêu cầu về kiểm dịch y tế bắt buộc đối với hành khách khi nhập cảnh và công bố danh sách phòng xét nghiệm real-time PCR do Chính phủ Việt Nam phê duyệt để thông báo các đối tác, hành khách.
Mở lại 6 đường bay nội địa
Ngày 3-9, Vietnam Airlines cho biết căn cứ vào diễn biến dịch COVID-19 đang kiểm soát khả quan ở nhiều địa phương, hãng này sẽ mở lại 6 đường bay nội địa trong tháng 9 sau thời gian tạm ngừng.
Cụ thể, từ ngày 10-9, Vietnam Airlines sẽ khai thác trở lại 6 đường bay nội địa, gồm Hà Nội - Chu Lai, Hà Nội - Tuy Hòa, Hải Phòng - Điện Biên, Vinh - Buôn Ma Thuột, Vinh - Đà Lạt và Huế - Đà Lạt.