Đề xuất tăng thuế tài nguyên khoáng sản

Tại dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức thuế suất một số khoáng sản như: Sắt, titan, vàng, vonfram, đồng, niken, đá, sỏi, cát…

Tại dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức thuế suất một số khoáng sản như: Sắt, titan, vàng, vonfram, đồng, niken, đá, sỏi, cát…

 

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức thuế suất đối với sắt từ 10% hiện nay lên 15%; titan tăng từ 11% lên 16%; vàng từ 15% lên 25%; vonfram, antimoan tăng từ 10% lên 18%; đồng, niken tăng từ 10% lên 15%.

Bộ Tài chính cho biết, khoáng sản kim loại là loại tài nguyên không tái tạo có giá trị kinh tế lớn. Hiện nay quy trình tuyển chọn, làm giàu quặng phần lớn chưa áp dụng công nghệ tiên tiến, gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng tới chất lượng môi trường sống của người dân xung quanh khu vực khai thác.

Tương tự, công nghệ khai thác, chế biến vàng của các doanh nghiệp trong nước chưa cao, hiệu quả kinh tế đạt thấp, gây lãng phí tài nguyên và phát sinh tác động xấu về môi trường.

Do đó, việc tăng mức thuế suất thuế tài nguyên đối với sắt, titan, vàng, vonfram, antimoan, đồng, niken sẽ đảm bảo thực hiện mục tiêu không khuyến khích việc khai thác tài nguyên không tái tạo có giá trị kinh tế lớn, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có khoáng sản được khai thác.

Bên cạnh đó, đất làm gạch cũng được Bộ Tài chính đề xuất tăng từ 7% lên 10%; cát từ 10% lên 11% cho phù hợp với mức thuế suất của cát làm thủy tinh; đá, sỏi được đề xuất tăng từ 6% lên 7% cho phù hợp với mức thuế suất của đá nung vôi và sản xuất xi măng.

Việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên đối với một số khoáng sản không kim loại như trên sẽ góp khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm thay thế như khuyến khích việc sử dụng gạch không nung thay cho gạch từ đất sét nung; hạn chế quy định mức thuế suất khác nhau theo mục đích sử dụng như cát và cát làm thủy tinh, đá và đá nung vôi, đảm bảo phù hợp với thực tế, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.

2 nhóm nước thiên nhiên dùng cho sản xuất, kinh doanh

Tại dự thảo, với nước thiên nhiên, Bộ Tài chính đề xuất tách nước thiên nhiên dùng cho sản xuất, kinh doanh thành 2 nhóm là dùng cho sản xuất nước sạch và cho mục đích khác. Trong đó, thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất nước sạch giữ như hiện hành (1% nếu sử dụng nước mặt và 3% nếu sử dụng nước dưới đất). Đối với nước thiên nhiên dùng cho mục đích khác, đề nghị thuế suất 3% nếu sử dụng nước mặt và 5% nếu sử dụng nước dưới đất.

Bộ Tài chính cho biết, việc tách nước thiên nhiên dùng cho sản xuất, kinh doanh thành 2 nhóm là dùng cho sản xuất nước sạch và cho mục đích khác (thay cho 4 nhóm trước đây) sẽ hạn chế việc quy định mức thuế suất khác nhau theo mục đích sử dụng đối với cùng một loại tài nguyên, đảm bảo danh mục nhóm nước thiên nhiên trong Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên đơn giản, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc kê khai thuế.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với các mức thuế suất dự tính điều chỉnh như nêu trên thì số thu thuế tài nguyên tăng lên khoảng 508,6 tỷ đồng (với giả thiết số thu thuế của các loại tài nguyên khác không thay đổi).

Các tin khác