Đề xuất tuyến đường sắt nhẹ TPHCM - Tây Ninh dài gần 100km

(ĐTTCO) - Tuyến đường sắt nhẹ (LRT) sẽ chạy dọc theo tuyến đường ven sông Sài Gòn, kết nối thẳng tới Tây Ninh với chiều dài gần 100km, tạo hành lang phát triển du lịch xuyên suốt, thúc đẩy kinh tế, xã hội của toàn vùng Đông Nam bộ.

Không gian phát triển mới

Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) vừa gửi tới UBND TPHCM ý kiến đóng góp cho Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060, TPHCM sẽ có tuyến giao thông ven sông Sài Gòn 3-4 làn xe, tổng chiều dài 78,2km. Tuy nhiên, để đón đầu tiềm năng phát triển trong tương lai, Sun Group đề xuất cần phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, với đại lộ quy mô 8-10 làn xe, kết nối TPHCM với Bình Dương và Tây Ninh, bám theo sông Sài Gòn.

Cụ thể, tuyến đường đến Tây Ninh đi theo tỉnh lộ 6 (TPHCM) hướng về phía Tây Ninh sau đó kết nối vào đường tỉnh 789 (Tây Ninh). Đây là đường Quốc lộ 22C theo định hướng phát triển mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đặc biệt, tuyến đường sắt hạng nhẹ (LRT) chạy dọc tuyến đường ven sông Sài Gòn không chỉ dừng tại huyện Củ Chi như dự kiến trong quy hoạch, mà sẽ kéo dài toàn tuyến lên Tây Ninh, dài gần 100km.

Núi từ hồ Dầu Tiếng 1.jpg
Núi Bà Đen và hồ Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh

Như vậy, tuyến LRT sẽ bổ sung thêm loại hình giao thông mới (cùng với đường thủy, đường bộ), hoàn chỉnh hành lang phát triển kinh tế, du lịch vùng Đông Nam Bộ, mở rộng hoạt động giao thương giữa TPHCM với Bình Dương, Tây Ninh.

Theo Sun Group, điều này góp phần giảm áp lực giao thông cho tuyến đường bộ hiện hữu, giảm tình trạng kẹt xe, thêm nhiều lựa chọn hơn cho người dân, du khách. Khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt hạng nhẹ mới sẽ kết nối TPHCM với các điểm đến hấp dẫn của Tây Ninh như Núi Bà Đen.

Là phương tiện giao thông chạy bằng điện, LRT được mệnh danh là phương tiện “giao thông xanh”, bởi không xả khí thải carbon ra môi trường. Đây là phương tiện giao thông tốc hành, có khả năng thúc đẩy và kết nối với các phương tiện giao thông đường bộ khác, thuận tiện trong di chuyển.

Ông Hoàng Anh Tú - Giám đốc dự án Tập đoàn BCG Việt Nam khẳng định: “Việc đầu tư tuyến đại lộ từ 4-10 làn xe, gồm hỗn hợp đường bộ, đường sắt đô thị kết nối từ TPHCM qua Củ Chi lên núi Bà Đen, Tây Ninh là cần thiết, bắt kịp xu thế của các đại đô thị phát triển trên thế giới”.

Vai trò “đầu tàu” của TPHCM

Theo KTS Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc phát triển trục hạ tầng du lịch cao cấp, hạ tầng giao thông hiện đại gồm đường sông, đường bộ, đường sắt song song kết nối từ TPHCM - Củ Chi - Núi Bà Đen - Tây Ninh trong đồ án quy hoạch TPHCM tương lai sẽ tạo ra không gian “trên bến dưới thuyền” sôi động cho hành lang sông Sài Gòn.

“Nếu triển khai được trục kinh tế này sẽ vừa giải quyết vấn đề giao thông, logistic và vấn đề tổ chức dân cư, hình thành chuỗi hệ sinh thái du lịch liên vùng, tạo điều kiện cho Tây Ninh phát triển. Vì vậy, trục này không chỉ là trục liên kết chuỗi kinh tế quốc tế, mà cũng còn là trục “xương sống” về du lịch đối với TPHCM”.

NguyenMinhhoa2.jpg
Nếu dự án được triển khai sẽ tạo ra không gian “trên bến dưới thuyền” sôi động cho hành lang sông Sài Gòn

Ngoài đề xuất đầu tư hạ tầng giao thông mới, Sun Group cũng đóng góp thêm ý kiến về quy hoạch phát triển các khu vực giàu tiềm năng văn hóa, du lịch, đô thị của Sài Gòn như: Khu thể dục thể thao Rạch Chiếc (TP Thủ Đức), Công viên văn hóa lịch sử các dân tộc Việt Nam (TP Thủ Đức), Safari Củ Chi… và các khu đô thị lấy sông Sài Gòn làm trung tâm như: Thanh Đa (quận Bình Thạnh), Khu đô thị Trường Thọ (TP Thủ Đức), các khu đô thị dọc sông Sài Gòn (huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn) theo từng phân khu.

Các tin khác