Hai phong cách khác biệt trong đêm diễn tối 13/10 tại Hà Nội có thể khiến nhiều người xem xong phải tìm nghe lại các album của nghệ sĩ saxophone lừng danh.
Nằm trong tour lưu diễn châu Á quảng bá cho album mới nhất - Brazilian Nights, điểm dừng chân Hà Nội có lẽ là một sự khác biệt nếu so với Seoul (Hàn Quốc), Singapore hay Kuala Lumpur (Malaysia). Tại đây, nhiều dấu ấn của “ngày xưa” đã hiện về khá trọn vẹn trong bữa tiệc âm nhạc kéo dài tròn trịa hai tiếng đồng hồ, để lại nhiều dư vị ngọt ngào cho những người từng yêu, từng say mê tiếng kèn của Kenny G trong hơn 20 năm qua.
Từng giành giải Grammy và nằm trong danh sách những nghệ sĩ ăn khách nhất mọi thời đại, Kenny G luôn biết cách để lại ấn tượng sâu đậm cho công chúng ở những nơi ông đi qua. Xuất hiện từ giữa khán phòng, người nghệ sĩ đã có màn “chào hỏi” độc đáo bằng hai bản nhạc thể hiện kỹ thuật diễn tấu điêu luyện cùng làn hơi dài tưởng chừng như vô tận. Bước lên sân khấu, mở màn bằng Forever In Love quen thuộc, tiếng kèn của Kenny G cứ thế mênh mang trôi qua miền ký ức lãng mạn, êm đềm để rồi rất nhanh chóng bắt sang tiết tấu sôi động, tung tẩy của nhịp Bossa Nova trong bản nhạc kinh điển Havana.
Kenny G đem theo năm nhạc công đều là những người gắn bó lâu năm với ông trong các tour diễn vòng quanh thế giới. |
Havana có thể coi là tiết mục “đinh” của đêm diễn. Đây là một bản nhạc thể hiện rõ nét tinh thần của Jazz Standard - mẫu mực, đẹp đẽ từ giai điệu đến phần trình diễn solo của từng thành viên. Havana không phải bản nhạc mới trong album Brazilian Nights mà từng được ghi âm trong album The Moment (1996) nhưng lại rất gần gũi với những gì Kenny G đang theo đuổi hiện tại.
Ở bản nhạc này, khán giả có thể dễ dàng cảm nhận được sự ăn ý của cả ban nhạc, tài năng của từng nghệ sĩ, sự ngẫu hứng đến tột độ - những yếu tố quan trọng nhất làm nên một màn trình diễn Jazz thành công. Những màn chơi solo của guitar, trống, bộ gõ, song tấu giữa bộ gõ và đàn bass thực sự mang đến sự phấn khích cho khán thính giả. Havana lẽ ra đã chạm ngưỡng hoàn hảo nếu không có màn phô diễn hơi quá đà của nghệ sĩ chơi bộ gõ - Ron Powell. Dù khá thuyết phục về mặt âm nhạc và tạo ra được nhiều tiếng cười, trong một khoảnh khắc nào đó, Ron đã biến sân khấu của Kenny G trở nên hơi “tạp kỹ”.
Sau Havana, đêm nhạc là sự đan xen hài hòa giữa hai phong cách. Đầu tiên là Smooth Jazz ngả nhiều về Pop với những bài “hit” cũ như Going Home, The Moment, Sentimental, Songbird… Phong cách thứ hai là Jazz Standard pha trộn với Bossa Nova mà màn thể hiện bản Desafinado - một kiệt tác của saxophonist tài danh Stan Getz - cũng là một đỉnh cao khác. Với những đôi tai sành sỏi, có thể phần trình diễn này chỉ ở mức độ “hay vừa đủ” nhưng việc được thưởng thức một bản nhạc kinh điển do nghệ sĩ saxophone hàng đầu thế giới cùng ban nhạc gắn bó trên hai thập kỷ diễn tấu đã là cơ hội hiếm có. Chất Jazz đã được làm nhẹ đi đôi chút cho phù hợp với đại chúng nhưng vẫn rất đậm đặc và góp phần xóa tan ngộ nhận rằng “Kenny G không thể chơi Jazz Standard” hoặc “Kenny G chỉ biết chơi Smooth Jazz”.
Màn biểu diễn gây bất ngờ nhất và có lẽ để lại nhiều ấn tượng nhất lại chính là bản cover ca khúc kinh điển What A Wonderful World với sự hiện diện của nghệ sĩ Jazz vĩ đại nhất nước Mỹ - Louis Amstrong (1901 – 1971) trên màn hình lớn. Kenny G chỉ đơn giản chơi lại phần nhạc đệm và kỹ thuật vi tính đã giúp lồng ghép giọng ca của Louis Amstrong với tiếng kèn của Kenny G thành một bản ghi âm hoàn chỉnh. Nghe What A Wonderful World từ khoảng cách thật gần trong một buổi tối mùa thu Hà Nội khiến nhiều khán giả như chợt thấy cả đất trời như nở hoa, thấy cuộc sống này thật đáng sống đến nhường nào như chính tên bài hát.
Khoảnh khắc xuất hiện của Kenny G trong đêm nhạc. |
Nhưng với một số khán giả là fan của nhạc Jazz, những hoài niệm của ngày xưa chưa thể đẩy cảm xúc của họ thăng hoa mà tất cả chỉ gói gọn trong hai từ “sạch sẽ” và “chỉn chu”. Với họ, có thể khi ra về họ ao ước được nghe thêm những bản nhạc như Desafinado, Havana hay như What a Wonderful World.
Âm thanh của một buổi diễn trực tiếp khó có thể mang đến những tiếng kèn ngọt ngào, mềm mại như bản studio nghe trên hệ thống âm thanh ở nhà. Tiếng của cây soprano saxophone đôi khi còn hơi gắt gỏng nên khán giả có phần đôi chút khó nghe ở một số đoạn.
Dù có thế nào đi chăng nữa, Kenny G và ban nhạc của ông đã cống hiến cho khán thính giả thủ đô một đêm diễn thành công thực sự. Bên cạnh những yếu tố không phải bàn cãi như chất lượng âm nhạc, đẳng cấp của nghệ sĩ biểu diễn, những yếu tố còn lại như âm thanh, ánh sáng cũng đã tốt hơn rất nhiều so với đêm diễn của pianist Richard Clayderman một năm trước.
Cộng thêm sự hài hước đầy duyên dáng của Kenny G, người nghệ sĩ đã khiến hai tiếng đồng hồ trong khán phòng trôi qua thật nhanh chóng. Sau đêm nhạc, hẳn sẽ có nhiều người tìm nghe lại các album của Kenny G, như một cách nối lại nguồn cảm hứng có thể đã đứt đoạn sau nhiều năm qua…