Đến lúc sửa đổi Nghị định 58

Nghị định 58/2012/NĐ-CP được xem là bộ quy định tương đối đầy đủ các chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật CK (áp dụng từ tháng 9-2012). Đến nay, bên cạnh những kết quả đạt được Nghị định 58 dần bộc lộ những hạn chế. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 58 là vô cùng cần thiết.

Nghị định 58/2012/NĐ-CP được xem là bộ quy định tương đối đầy đủ các chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật CK (áp dụng từ tháng 9-2012). Đến nay, bên cạnh những kết quả đạt được Nghị định 58 dần bộc lộ những hạn chế. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 58 là vô cùng cần thiết.

Bộc lộ hạn chế

 

Theo UBCKNN, sau hơn 2 năm thi hành Nghị định 58, TTCK đã đạt được những kết quả hết sức khả quan. Cụ thể, đến cuối năm 2014, tổng mức vốn hóa của thị trường đạt 1.128.000 tỷ đồng (tăng 179.000 tỷ đồng so với năm 2013), giá trị vốn hóa đạt 31,5% GDP; giá trị niêm yết tăng 19% và trái phiếu tăng 25%; giá trị giao dịch đạt bình quân 5.000 tỷ đồng/phiên; vốn huy động qua TTCK đạt 237.000 tỷ đồng.

Bên cạnh những con số tăng trưởng này, Nghị định 58 cũng đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho TTCK với những quy định tương đối đầy đủ về việc chào bán CK, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn thông qua TTCK; bảo vệ cổ đông nhỏ, tạo cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp với các quy định về công ty đại chúng, mua bán CP quỹ, chào mua công khai; nâng cao điều kiện niêm yết để thu hút được những doanh nghiệp có chất lượng tham gia giao dịch trên TTCK; nâng cao điều kiện thành lập tổ chức kinh doanh CK; tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của các loại hình quỹ đầu tư mới.  

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Việt, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (UBCKNN), Nghị định 58 vẫn còn một số hạn chế. Chẳng hạn, về quy định chào bán CK vẫn còn thiếu quy định hướng dẫn đối với hoạt động bán phần vốn Nhà nước đang nắm giữ ra công chúng hay chào bán cho cổ đông chiến lược trong cùng đợt chào bán ra công chúng.

Đối với các tổ chức kinh doanh CK, Nghị định 58 chưa có hướng dẫn về trích lập quỹ bảo vệ NĐT, quy định về việc tham gia của NĐTNN tại các tổ chức kinh doanh CK cũng cần được chỉnh sửa để thống nhất với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, Nghị định 58 còn được đánh giá là chưa bao quát hết các loại CK niêm yết, chưa “ăn khớp” giữa việc chào bán riêng lẻ với Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2014.

Nhiều nội dung cần làm rõ

Quan điểm xây dựng Nghị định 58 là hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ông Nguyễn Thành Long,
Phó Chủ tịch UBCKNN

Một trong những nội dung sửa đổi được giới đầu tư quan tâm nhất hiện nay là sự tham gia của NĐTNN trên TTCK. Đây cũng chính là nội dung được các thành viên trên TTCK bàn luận nhiều tại “Hội thảo đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều cho Nghị định 58” tổ chức tại TPHCM cuối tuần vừa qua, trong đó nội dung quan trọng nhất là nới room cho NĐTNN.

Bà Cao Huyền Trang, Trưởng phòng Pháp chế CTCK Bản Việt, cho rằng Nghị định 58 cần làm rõ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tham gia góp vốn, mua CK được nắm giữ bao nhiêu phần trăm cổ phần tại công ty đại chúng. Hiện tại Quyết định 55/2009/QĐ-TTg quy định tỷ lệ sở hữu của NĐTNN trên TTCK chỉ có 49%, trong khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 lại quy định một công ty có vốn đầu tư nước ngoài khi sở hữu trên 51% vốn điều lệ tại công ty đại chúng.

Theo ông Nguyễn Viết Thịnh, Giám đốc Bộ phận Công ty Kiểm toán PwC, định nghĩa mới về tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài cũng có nhiều điểm bất hợp lý. Thí dụ, Công ty A có khoản đầu tư vào Ngân hàng X tương ứng 1% vốn. Tại thời điểm đầu tư, Công ty A là tổ chức trong nước theo Nghị định 58 và dự thảo sửa đổi; còn Ngân hàng X tại thời điểm Công ty A đầu tư đã hết room cho NĐTNN là 30%.

Trong khi đó, Công ty B là công ty có vốn nước ngoài dự định mua 51% của Công ty A. Nếu dự định Công ty B thành công thì Công ty A được coi là công ty có vốn đầu tư nước ngoài theo Nghị định 58. Khi đó, Ngân hàng X sẽ có tổng cộng 31% vốn nước ngoài. Tỷ lệ này vượt mức cho phép của Nghị định 01/2014/NĐ-CP là 30%.

Hoạt động chào bán CK riêng lẻ nhận được nhiều góp ý, trong đó ý kiến được nhiều người tán đồng như: bỏ các quy định về chào bán riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng, chỉ quy định về chào bán riêng lẻ của công ty đại chúng và tổ chức kinh doanh CK.

Bên cạnh đó, Nghị định 58 cũng sẽ bổ sung một số điều kiện đối với các tổ chức chào bán như: hoàn thành đợt chào bán trong vòng 90 ngày kể từ khi UBCKNN có thông báo nhận được đầy đủ hồ sơ; HĐQT chỉ được thay đổi các phương án sử dụng vốn hoặc đối tượng tiếp nhận vốn đầu tư khi được ĐHCĐ ủy quyền và theo quy định tại điều lệ của công ty; mọi thay đổi về phương án sử dụng vốn phải được báo cáo lại tại ĐHCĐ gần nhất.

Các tin khác