Đến Tây Ninh thưởng thức mãng cầu núi Bà Đen

(ĐTTCO) - Nói đến Tây Ninh là nói đến miền đất của tòa Thánh Cao Đài, của núi Bà Đen cùng những món ăn dân dã nức tiếng như bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng, muối tôm. Nhưng Tây Ninh còn có thêm nhiều loại nông sản cũng nức tiếng không kém như khoai mì, mía đường và đặc biệt là mãng cầu núi Bà Đen, góp phần tạo nên chuỗi mặt hàng có giá trị phục vụ du khách trong, ngoài nước.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tham quan gian hàng các đặc sản của tỉnh Tây Ninh.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tham quan gian hàng các đặc sản của tỉnh Tây Ninh.

Những ngày cuối năm 2022, chúng tôi đi một vòng dưới chân núi Bà Đen để chứng kiến bà con nhà vườn đang tất bật chăm sóc cho hàng ngàn ha mãng cầu vào mùa thu hoạch dịp Tết. Trên các khu vườn, mãng cầu được trồng theo hàng dài, thân to, cành khỏe khoắn, trái chín sum suê và có nhiều nông dân bận bịu tưới nước, bón phân cùng hàng trăm thương lái tìm về đặt mua mãng cầu để bán ra thị trường dịp Tết.

Tiếng cười nói của bạn làm vườn, thương lái trao đổi rộn vang từng góc vườn, và trong cái se lạnh của đất trời chúng tôi cảm nhận được nụ cười giòn tan, hồn hậu của người dân miệt vườn đang háo hức đón một vụ thu hoạch bội thu.

Chúng tôi vào thăm khu vườn 4ha trồng mãng cầu xanh mướt của ông Nguyễn Văn Nam, một trong những người tiên phong trồng mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Thạnh Tân (TP Tây Ninh) lúc quá 11 giờ trưa. Từng tia nắng rọi xuống đỉnh đầu, nhưng ông Nam vẫn miệt mài với công việc dọn vườn, chuẩn bị cho vụ Tết.

Dừng tay uống nước một lát, ông Nam chia sẻ, trước đây mãng cầu chỉ ra trái 1 vụ/năm, nhưng từ khi áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vừa tiết kiệm chi phí đầu vào, vừa giúp mãng cầu được nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm.

Đang mùa thu hoạch nên gia đình ông Huỳnh Biển Chiêu (ngụ xã Thạnh Tân), được cấp Chứng nhận mô hình sản xuất VietGAP, đang tất bật với công việc tưới nước, bón phân cho vườn mãng cầu rộng 15ha.

Tạm dừng công việc và lựa hái những trái mãng cầu đẹp, chín xuống mời khách, ông Chiêu chia sẻ vụ năm nay, nhu cầu xuất khẩu, tiêu thụ trong nước tăng cao, giá bán tại vườn dịp Tết cao tới 60.000 đồng/kg nên bà con trồng mãng cầu sẽ có cái Tết an vui.

Ông Chiêu hồ hởi, mãng cầu núi Bà Đen trái to, mắt dày, rãnh sâu rất ưa nhìn, thịt dai, ngọt đậm và không dùng thuốc trừ sâu, chỉ dùng bao trái để phòng sâu bệnh khi trái chín. Mãng cầu trồng trên đất xám nền phù sa cổ, địa hình triền núi dốc thoai thoải không úng nước và được “ủng hộ” bởi khí hậu ôn hòa nên có mùi vị, chất lượng khác biệt so với mãng cầu trồng ở nơi khác.

CTCP Natani là đơn vị xây dựng vùng nguyên liệu liên kết mãng cầu được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 100ha, tại các xã Tân Bình, Thạnh Tân (TP Tây Ninh), xã Phan (huyện Dương Minh Châu) và khu vực quanh núi Bà Đen để phục vụ chế biến sâu sản phẩm, nâng cao giá trị trái mãng cầu trên thị trường, nhất vào dịp Tết.

Ông Nguyễn Thế Tân, Giám đốc CTCP Natani cho biết, hiện nay sản phẩm mãng cầu của công ty đã có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn trong nước như: Aeon (Nhật Bản), E-mart (Hàn Quốc), BigC, Co.opMart; các chuỗi cửa hàng tiện ích như Bách Hóa Xanh, WinMart cùng thị trường các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây nguyên. Công ty cũng đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm sang các thị trường Mỹ, Nga và các nước Trung Đông.

Do đó, mãng cầu ở núi Bà Đen đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, và trong năm 2021 sản phẩm được UBND tỉnh Tây Ninh xếp hạng sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, mãng cầu trồng quanh núi Bà Đen cho năng suất cao nên ngành nông nghiệp đang khuyến khích bà con nông dân, doanh nghiệp trồng mãng cầu theo quy trình VietGAP.

Tỉnh cũng hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, cấp giấy chứng nhận, mua vỏ sinh học bao trái với 6 triệu đồng/ha để chống ruồi vàng, tăng năng suất cây trồng và đem lại lợi ích kinh tế cao cho người trồng mãng cầu, góp phần đưa thương hiệu mãng cầu vươn xa.

Đóng gói mãng cầu đưa đi tiêu thụ. Ảnh: HỒNG THẮM

Đóng gói mãng cầu đưa đi tiêu thụ. Ảnh: HỒNG THẮM

Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, mãng cầu là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh, do vậy nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất và chế biến mãng cầu, các sản phẩm từ mãng cầu, tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 (Nghị Quyết 18/2021/NQ-HĐND); hỗ trợ liên kết sản và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025 (Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND); hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2015 (Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND). Các tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn một trong số các chính sách trên để đăng ký thụ hưởng.

Hiện nay, bên cạnh việc bán quả mãng cầu tươi, trên địa bàn tỉnh dần phát triển hoạt động sản xuất, chế biến các sản phẩm từ mãng cầu: Rượu mãng cầu (Công ty TNHH Vương Ngọc Vegan), nước ép mãng cầu (Công ty TNHH Đông dược Vĩnh Xuân), các sản phẩm này được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao, dung dịch sát khuẩn môi trường được chiết xuất từ vỏ và hạt mãng cầu (Trung tâm KHCN-Sở KHCN Tây Ninh).

Để triển khai kế hoạch phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn năm 2022-2030, đến nay Tây Ninh đã xây dựng được một số chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ dựa trên 9 sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp như bò sữa, bò thịt, chăn nuôi heo, cây mì, cây mía, cây chuối, mãng cầu. Trong đó, tổng diện tích cây mãng cầu trên địa bàn gần 5.500ha và đã có hơn 200ha mãng cầu được liên kết tiêu thụ với CTCP Natani và Hợp tác xã Nông nghiệp Mãng cầu Thạnh Tân (TP Tây Ninh).

Mãng cầu núi Bà Đen đã có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn trong nước như: Aeon (Nhật Bản), E-mart (Hàn Quốc), BigC, Co.opMart, Bách Hóa Xanh, WinMart cùng thị trường các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây nguyên. Trái mãng cầu đã được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nga và các nước Trung Đông. Mãng cầu ở núi Bà Đen đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, và được UBND tỉnh Tây Ninh xếp hạng sản phẩm OCOP hạng 4 sao.

Các tin khác