Dệt may thực sự hưởng lợi từ TPP?

Một số doanh nghiệp dệt may đang bày tỏ sự hoài nghi về những lợi ích từ TPP, và cho rằng chỉ có khách hàng của họ mới là người hưởng lợi.

Một số doanh nghiệp dệt may đang bày tỏ sự hoài nghi về những lợi ích từ TPP, và cho rằng chỉ có khách hàng của họ mới là người hưởng lợi.

 

Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một bước ngoặt lớn cho cả 12 nước thành viên tham gia. Theo đó, hiệp định này có thể mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, nhất là Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà doanh nghiệp có thể đạt được thì những thách thức đặt ra cũng không hề nhỏ. Một trong những thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt là chi phí lao động có thể tăng cao hơn và những yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm cũng sẽ được siết chặt hơn.

Theo số liệu của Economist Intelligence Unit (EIU), chi phí lao động trong ngành sản xuất tại Việt Nam đã tăng hơn 3 lần lên mức 1,96 USD/giờ, bao gồm cả phụ cấp. Tuy nhiên khi đem so với một số nước trong khu vực, chi phí lao động Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với chi phí lao động Trung Quốc (3,27 USD/giờ) và cách khá xa so với Mỹ (37,96 USD/giờ).

Ông Stanley Szeto hiện là giám đốc điều hành của công ty may mặc Lever Style có trụ sở tại Hồng Kông, sau khi tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình từ hồi năm 2000. Danh sách khách hàng của Lever Style đang có nhiều thương hiệu lớn như Hugo Boss và J.Crew.

Szeto cho biết ông không cảm thấy quá háo hức về TPP vì nó có thể khiến cho dòng vốn đầu tư tăng đột biến, và khi đó chi phí sản xuất tại Việt Nam có thể sẽ trở nên đắt hơn so với thời điểm hiện tại.

"Chi phí sẽ tăng lên và khi đó tất cả mọi người sẽ gặp khó khăn hơn trong việc gia tăng năng suất tại các nhà máy", ông Szeto nhận định. Ông cho rằng "việc tuyển dụng lao động sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng".

Trong 5 năm qua, công ty Lever Style đã chuyển một phần tư hoạt động sản xuất của công ty này ở Trung Quốc qua Việt Nam. Vì thế, công ty này đã cắt giảm 50% số nhân công ở Trung Quốc, xuống còn 3.000 người.

TPP đang được kỳ vọng sẽ xóa bỏ hàng rào thuế quan giữa các nước thành viên, đặc biệt là hàng may mặc. Tuy nhiên, các nhà sản xuất theo hợp đồng ở Việt Nam cũng sẽ không tiết kiệm được chi phí là bao khi TPP chính thức có hiệu lực, ông Szeto nói.

Nhìn chung, những tập đoàn thời trang quốc tế sẽ là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất chứ không phải là những nhà sản xuất, vì những tập đoàn này mới là người phải chi trả chi phí thuế nhập khẩu. Do đó, việc xóa bỏ hàng rào thuế quan sẽ góp phần giảm chi phí cho họ chứ không phải các công ty sản xuất.

Tuy nhiên, ông Roger Lee, giám đốc điều hành của TAL Group thì lại cho rằng khi đó các nhà sản xuất có thể đàm phán với các công ty thời trang để đòi giá cao hơn cho các sản phẩm của họ, do chi phí thuế được giảm xuống. Ông Lee cũng không quên nhấn mạnh những tập đoàn lớn sẽ chỉ đồng ý cân nhắc điều này khi họ mua với số lượng lớn từ một nhà sản xuất.

Giám đốc điều hành Phòng thương mại của Mỹ (Amcham) tại Hà Nội là Adam Stitkoff nhận định các nhà sản xuất tại Việt Nam vẫn sẽ hưởng nhiều lợi ích từ TPP. Theo ông Sitkoff, quan điểm cho rằng chỉ các tập đoàn thời trang lớn mới hưởng lợi từ TPP là không đúng. Ông cho rằng các thương hiệu quốc tế sẽ có khuynh hướng đặt mua hàng từ Việt Nam nhiều hơn, qua đó gia tăng số đơn hàng dành cho các nhà máy.

Công ty sản xuất bao bì và nhãn mác Avery Dennison của Mỹ thì cho biết họ không đánh giá TPP như là một cơ hội để cắt giảm chi phí. Ông Frank Smigelski, hiện là phó chủ tịch mảng nhãn mác bán lẻ của Avery Dennison, nhận định: "Chúng tôi xem TPP là điều tạo ra những cơ hội phát triển, và đang tìm cách đảm bảo rằng công ty có đủ năng lực cạnh tranh để đưa biến những cơ hội này trở thành hiện thực".

Các tin khác