DHG bước vào giai đoạn suy thoái?

(ĐTTCO) - Sau giai đoạn tăng trưởng tích cực, CTCP Dược Hậu Giang (DHG) bất ngờ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận âm trong năm 2017. 

Liệu rằng kết quả kinh doanh này có là dấu hiệu đi xuống của doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực dược?

Bể kế hoạch 2017
Theo BCTC quý IV-2017 vừa được DHG công bố, lợi nhuận trong kỳ của doanh nghiệp sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, dù doanh thu vẫn có mức tăng 15% so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 1.353 tỷ đồng (tăng 15%), nhưng lợi nhuận gộp trong kỳ chỉ tăng 6% so với cùng kỳ do giá vốn tăng mạnh đến 22,6%; biên lợi nhuận gộp trong kỳ giảm xuống mức 41,7% so với mức 45,2% cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân do trong quý cuối năm 2017, DHG đã chi mạnh 243 tỷ đồng cho hoạt động bán hàng (tăng 28%), đã khiến lợi nhuận trước thuế chỉ còn lại 223 tỷ đồng (giảm 8,3%). Đáng chú ý, khoản thuế phải đóng trong quý IV-2017 lên đến 72,6 tỷ đồng, do cộng thêm khoản hồi tố 24,4 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2016, khiến lợi nhuận sau thuế chỉ còn lại 145 tỷ đồng (giảm 34%). Lũy kế cả năm 2017, DHG đạt mức tăng trưởng doanh thu thuần 7,4% (4.064 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế 719 tỷ đồng (giảm 5%) và lợi nhuận sau thuế giảm 7% (đạt 643 tỷ đồng). Như vậy, DHG chỉ hoàn thành 93% kế hoạch doanh thu và 78% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2017.
 DHG là một trong những mã CP luôn duy trì được mức độ ổn định trên mốc 100.000 đồng/CP. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong năm vừa qua, DHG đã giảm xuống dưới mốc 100.000 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 25-1.
Có thể nói, đây là kết quả kém tích cực nhất của DHG từ năm 2011 trở lại đây. Thực tế, DHG duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2011-2014, giai đoạn sau này tốc độc tăng trưởng xuống dưới 1 con số. Tốc độ tăng trưởng của DHG bị chững lại trong những năm gần đây, được cho do tác động của việc di dời sản xuất giữa nhà máy cũ và nhà máy mới. Bên cạnh đó, DHG còn gặp phải khó khăn như một số loại thuốc hết hiệu lực nhưng không đăng ký lại được, thay đổi cách ghi nhận kế toán, chiến lược tái cơ cấu lại hệ thống bán hàng và logistic chưa mang lại hiệu quả. Đặc biệt, từ tháng 9-2017, người được mệnh danh là “linh hồn” của DHG là bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc, chính thức nghỉ hưu. Đây là tổn thất không nhỏ đối với DHG, bởi bà Nga là một trong những người đóng góp công sức trong việc đưa DHG trở thành doanh nghiệp dược hàng đầu Việt Nam (chiếm 14% thị phần). 

Kỳ vọng nới room 
Theo giới phân tích, động lực tăng trưởng cho những năm tiếp theo của DHG đến từ nhóm hàng tự sản xuất. DHG có thể tận dụng hệ thống phân phối sâu rộng và đội ngũ bán hàng có năng lực để đẩy mạnh doanh thu các mặt hàng chủ lực, cũng như phát triển các sản phẩm mới.
DHG bước vào giai đoạn suy thoái? ảnh 1 Dây chuyền sản xuất thuốc của DHG. 
Tuy nhiên, đây cũng là bất lợi của DHG bởi nhiều doanh nghiệp đang có chiến lược mở rộng bán hàng vào kênh OTC (đại lý, nhà phân phối, nhà thuốc), trong bối cảnh kênh ETC (bệnh viện, phòng khám) gặp khó khăn. Xu hướng mới này đẩy DHG vào tình cảnh đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt ở thị trường trong nước. Trong khi đó, kế hoạch tăng cường xuất khẩu sang Lào, Myanmar và Campuchia được kỳ vọng là yếu tố giúp duy trì tăng trưởng cũng gặp thách thức, khi doanh thu xuất khẩu hiện chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng doanh thu và DHG không có lợi thế rõ ràng so với các đối thủ (Trung Quốc, Ấn Độ) ở những thị trường này. 
Như vậy, kỳ vọng lớn nhất của DHG ở thời điểm hiện tại là kế hoạch nới room cho NĐTNN. Cụ thể, tại ĐHCĐ bất thường được tổ chức vào tháng 7 năm ngoái, cổ đông của DHG đã thông qua tờ trình nới room ngoại từ 49% lên 100%. Đây được xem là kế hoạch “mở đường” cho Taisho nâng tỷ lệ sở hữu tại DHG. Trước đó, tập đoàn dược phẩm đến từ Nhật Bản đã chính thức trở thành cổ  đông lớn sau khi mua vào 24,4% cổ phần tại DHG. Taisho hiện giữ thị phần tương đối lớn trên thị trường OTC ở Nhật Bản, cũng như đang nắm giữ cổ phần tại cùng nhiều công ty dược trong khu vực châu Á. Việc đầu tư vào DHG được cho là bước đi quan trọng trong chiến lược thâm nhập sâu thị trường Việt Nam, bởi DHG có mạng lưới phân phối rộng khắp. Ngược lại, với sự có mặt của Taisho, DHG sẽ nhận được sự hỗ trợ trong các hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển), cũng như bổ sung các sản phẩm của Taisho vào danh mục sản xuất. Thế nhưng, việc nới room khối ngoại nếu được cho phép sẽ chỉ diễn ra sau khi DHG thay đổi ngành nghề kinh doanh trong năm.

Các tin khác