Dù đã bước qua qua tuổi 70 từ lâu nhưng vị cha già lập quốc Singapore Lý Quang Diệu vẫn còn mạnh khỏe, tinh thần minh mẫn, đi lại không cần chống gậy và có thể chạy bộ mỗi ngày 45 phút. Ngày 16-9 vừa qua, ông đã ăn mừng thượng thọ 90 tuổi với niềm vui chung của người dân và hạnh phúc nhìn thấy sự phát triển thịnh vượng của đất nước Singapore.
Công trạng của “kiến trúc sư” họ Lý có thể được đánh giá ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng di sản ông để lại cho đảo quốc này là một xã hội văn minh, kỷ cương với mức độ tham nhũng vào hàng thấp nhất thế giới và một thành phố sạch sẽ, trong lành và rợp bóng cây xanh.
Một trong những sự kiện được xem là quan trọng trong sử sách Singapore là vào ngày 16-6-1963, Lý Quang Diệu (khi đó là Thủ tướng) đã trồng cây thành ngạnh đẹp (mempat tree) đầu tiên ở bùng binh Holland. Và kể từ đó, trong suốt 5 thập niên qua, ông Lý lại tạo thông lệ trồng cây vào tháng 11 hàng năm trước khi mùa mưa bắt đầu.
Theo GS. Leo Tan, lúc đầu người dân Singapore chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc trồng cây và bảo tồn thiên nhiên. Có người còn đặt câu hỏi tại sao chính phủ lại chi khá nhiều tiền cho việc tạo thêm màu xanh cho một đảo quốc cây cối đã mọc um tùm. Tuy nhiên, ông Lý vẫn kiên trì và quyết tâm với việc đầu tư trồng cây xanh bởi điều này sẽ giúp Singapore tạo nên sự khác biệt với các nước láng giềng trong khu vực.
Nhờ tầm nhìn của ông Lý, dù Singapore phải chặt bỏ nhiều rừng đước hay cây cối ở một số vùng trong diện quy hoạch để lấy đất xây dựng cơ sở hạ tầng trong những năm 1970, 1980, nhưng vẫn giữ được nhiều không gian xanh nhờ những dự án bảo tồn và thiết kế, xây dựng những kiến trúc thân thiện với môi trường.
Năm 2005, chính phủ Singapore tung ra chương trình cộng đồng-vườn cây nở hoa, tạo thêm nhiều mảng xanh trong khu vực dân cư khiến người dân gắn bó với nơi ăn chốn ở của mình hơn. Theo bà Belinda Yuen, chuyên viên nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Lý Quang Diệu về nghiên cứu các thành phố sáng tạo của trường Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (SUTD), ngoài việc tận dụng các khoảng không gian xanh, những dự án này còn kéo theo lợi ích tâm lý gián tiếp. Nay, người dân thích nơi ở có thêm cảnh quan xanh và có điều kiện thư giãn khi cần và đây cũng là một trong những yếu tố làm tăng giá trị bất động sản họ sở hữu.
Lý Quang Diệu trong ngày hội trồng cây hôm 16-6. |
Trong một khảo sát được Cục Công viên Quốc gia (NParks) thực hiện vào năm 2010, 90% người dân Singapore được hỏi cho biết công viên và cây xanh rất quan trọng với cuộc sống của họ, và đồng ý rằng việc bảo tồn thiên nhiên và cây xanh là rất quan trọng.
Ông Poon Hong Yuen, Tổng giám đốc NParks chia sẻ nếu trước đây người dân Singapore than phiền về tiếng ồn trong các công trình cây xanh môi trường như cắt tỉa cây làm lá rơi vãi, thì nay họ lại lên tiếng phản đối mỗi khi có một cây cổ thụ nào đó bị chính phủ thông báo sẽ đốn bỏ.
Theo thống kê của NParks, hiện trên toàn đảo quốc có hơn 300 công viên lớn nhỏ từ khu dân cư cho đến khu vui chơi East Coast Park ở phía Đông gần sân bay Changi. Khoảng 50% lãnh thổ Singapore được che phủ bởi mảng xanh, trong đó hơn phân nửa là màu xanh “thiên nhiên” như đất đầy bụi rậm và rừng. Mới đây, dựa vào tiêu chuẩn chu vi thân cây dài hơn 5 mét, người Singapore đã đề cử gần 200 cây cổ thụ di sản. Các hoạt động lễ hội hay tham quan gần gũi với thiên nhiên cũng được tổ chức để tôn vinh giá trị của thiên nhiên và cây xanh.
Cứ mỗi lần đến ngày hội cây xanh, người dân đảo Sư Tử lại nhắc đến cái cây thành ngạch đẹp mà ông Lý đã trồng cách đây hơn 50 năm để trân trọng về những di sản Lý Quang Diệu cùng những vị khai quốc công thần khác để lại cho Singapore và thế hệ sau.
Singapore, ngày 17-9-2013